Sự kỳ diệu của tro bay

Từ những năm 50 của thế kỷ trước, các nhà khoa học đã biết sử dụng tro bay của các nhà máy điện đốt than để làm phụ gia cho bê tông. Khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển đã khẳng định được “sự kỳ diệu của tro bay” trong công nghệ bê tông.

Tro bay là một loại “puzzolan nhân tạo” bao gồm SiO2, Al2O3, Fe2O3 (chiếm khoảng 84%)… là những tinh cầu tròn, siêu mịn, độ lọt sàn từ 0,05 – 50 nanomet (1 nanomet = 1x10-9m) tỉ diện 300 – 600m2/kg.

Dùng tro bay làm phụ gia bê tông sẽ làm tăng cường độ bê tông lên từ 1,5 – 2 lần; làm tăng độ nhớt của vữa giúp bê tông chui vào các khe lổ dễ dàng; “khử vôi tự do CaO” trong xi măng (khoảng 6%) là thành phần gây “nổ” làm giảm chất lượng bê tông trong môi trường nước.

Đặc biệt, trong việc đổ những khối bê tông cực lớn ở các công trình thủy điện, khi có phụ gia tro bay, ta có thể đổ bê tông gián đoạn mà không phải đổ liên tục như bê tông thường.

Khống chế nhiệt độ ban đầu, giảm ứng suất nhiệt trong khối bê tông, tăng độ bền, kéo dài tuổi thọ công trình, giá thành có thể rẻ hơn đến 30%, giảm 10% nước trộn bê tông.

Tro bay làm phụ gia sản xuất xi măng bền sulfat, phụ gia cho bê tông tự chèn đối với công trình đòi hỏi chịu lực cao. Với vữa trát tường có thể thay thế 30 – 35% xi măng, tạo bề mặt mịn, tốt, chống thấm.

Sản xuất gạch block (gạch không nung) có sử dụng tro bay còn có thể giảm lượng xi măng nhiều hơn nữa. Đặc biệt là trong công nghệ bê tông đầm lăn “không thể thiếu phụ gia tro bay”.

Phú Điền - Tro bay được sử dụng như phụ gia trong sản xuất gạch block


Bê tông sử dụng phụ gia tro bay sẽ tạo nên “bê tông bền sulfat” chịu được chua, mặn, tăng độ bền của cốt thép…

Khói, bụi, tro… ở các nhà máy nhiệt điện thải ra làm ô nhiễm một khu vực rộng lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Trước đây tro bay được xem là “rác độc hại” nay đã có giải pháp thu hồi và đưa vào sử dụng, rõ ràng là tiến bộ kỹ thuật đã “biến rác thải thành vàng”. Những người có công trong lĩnh vực này xứng đáng được tôn vinh.

KS. Đoàn Văn Hà và các công tác viên (Công ty TNHH XDCT Hùng Vương) đã có công trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật “sử dụng tro bay làm phụ gia trong sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn” cho ngành thoát nước với chất lượng tốt hơn, giá thành rẻ hơn bê tông thường mà trong bản báo cáo của họ đã phản ánh khá đầy đủ.

Tuy nhiên, chất lượng của tro bay phụ thuộc nhiều vào chất lượng than (than có hàm lượng lưu huỳnh cao, than có nhiệt lượng thấp…) và công nghệ đốt than: đốt than phun; đốt than tầng sôi tuần hoàn; đốt than tầng sôi áp lực và công nghệ khí hóa than. Kích thước và chất lượng tro bay sẽ có khác nhau, cấp phối bê tông sử dụng tro bay từ các nguồn cung cấp khác nhau, nên cần có sự điều chỉnh để đạt được chất lượng tốt nhất.

Cần đánh giá đúng tác động của “các kim loại nặng” và “hoạt tính phóng xạ của tro bay” (từ uranium và thorium) sau khi đã được “rắn hóa” trong cấu kiện bê tông đúc sẵn. Nếu ở giới hạn cho phép thì không có gì phải băn khoăn. Nên đưa hẵn công nghệ này vào sản suất bởi vì lợi ích quá rõ rệt.

Theo dự báo đến năm 2020 sẽ có thêm 28 nhà máy nhiệt điện đốt than đi vào hoạt động. Lúc đó lượng tro, xỉ thải ra hàng năm vào khoảng 60 triệu tấn. Hàng loạt lò cao ở các khu gang thép sử dụng nhiên liệu là than sẽ thải ra một lượng tro bay khá lớn.

Các nhà quản lý cần đầu tư trang thiết bị để thu hồi tro bay nhằm “hạn chế ô nhiễm môi trường”, tạo được “sản phẩm có giá trị” dùng trong nước và có thể xuất khẩu. Hình thành “thương hiệu tro bay” của từng nhà máy, có đầy đủ các thông số kỹ thuật, sẽ dễ dàng cho người sử dụng. Khi đó, giá thành của tro bay chắc chắc sẽ rẻ hơn nhiều so với hiện nay, thu hút nhiều nhà sản xuất, xây dựng… sử dụng tro bay.

Khi “sản phẩm tro bay” đã thành nguyên liệu, thành hàng hóa thì cơ quan quản lý (Bộ Xây dựng) cần ban hành tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật cho từng loại sản phẩm được phép sử dụng tro bay để áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước.


KS. Phan Phùng Sanh (Hội KH&KT Xây dựng TP. HCM)