Lựa chọn công nghệ Hoffman hay Tuynel cho gạch nung ?

Đến năm 2020, Việt Nam có nhu cầu sử dụng khoảng 42 tỷ viên gạch cho xây dựng. Tương ứng với nhu cầu lớn này, theo phê duyệt của Chính phủ, ngành công nghiệp sản suất vật liệu xây dựng (VLXD) sẽ phải tiến tới sản xuất sạch, tức là hướng từ vật liệu nung sang vật liệu không nung. Thế nhưng, cho đến lúc này, quan điểm về đầu tư công nghệ giữa doanh nghiệp và địa phương quản lý vẫn còn “bất nhất”, có nguy cơ lãng phí hàng ngàn tỷ đồng.

Dốc tiền cho... lạc hậu
Trong quá trình chuyển từ sản xuất gạch thủ công sang sản xuất bằng công nghệ, các doanh nghiệp (DN) sản xuất gạch nung đất sét đã lựa chọn công nghệ Tuynel hoặc Hoffman làm công nghệ thay thế. Mỗi công nghệ có nhưng ưu khuyết điểm nhất định, nhưng công nghệ nào phù hợp cho lộ trình giảm và chấm dứt sản xuất VLXD nung đất sét (VLN) sang sản xuất và sử dụng vật liệu không nung (VLKN) lại trở nên mâu thuẫn.
 
Xây nhà bằng gạch tuynel
 
Theo ông Bùi Trí Dũng, giám đốc một cơ sở sản xuất tại gạch tại Bình Dương, công nghệ sản xuất Tuynel hay Hoffman cũng như nhau, chỉ khác lò nung.

Công nghệ lò nung Hoffman có nguồn gốc từ Đức, được chuyển giao vào Việt Nam từ những năm 80 của thế kỷ trước. Với nguyên liệu sử dụng là những phế phẩm trong ngành nông lâm sản như vỏ trấu, mùn cưa, vỏ hạt điều...

Ưu điểm sử dụng nhiều chất đốt rẻ tiền, chi phí đầu tư xây dựng thấp nên sản phẩm của lò Hoffman có sức cạnh tranh khá cao. Trong khi đó, lò nung Tuynel đốt bằng nhiên liệu than đá, nên giá thành sản phẩm cao hơn so với lò Hoffman.

Về tiêu chuẩn môi trường, hệ thống lò Hoffman có những cải tạo nhất định, đang được cơ quan chức năng kiểm định để có kết quả chính thức. Tuy nhiên, một số tỉnh địa bàn lân cận đã công nhận và cấp phép cho công nghệ này hoạt động.

Theo nhận xét của một số chuyên gia về lĩnh vực này, với chi phí đầu tư thấp, nhiên liệu tận dụng từ rác của ngành nông lâm sản, nhiều DN ở các tỉnh như Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Đồng Nai... đã đầu tư xây dựng lò Hoffman để sản xuất gạch đất sét nung. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng được cấp giấy phép hoạt động.

Tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Thuận, Long An... các DN đang hoạt động theo công nghệ Hoffman được cấp giấy phép hoạt động trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, tại tỉnh Bình Dương, công nghệ Hoffman lại không được cấp giấy phép, mà chỉ cấp giấy phép cho các DN hoạt động theo công nghệ Tuynel.

Với chính sách này, khoảng trên 150 DN, nhà máy, cơ sở sản suất theo công nghệ Hoffman mới chuyển từ lò gạch thủ công từ cuối năm 2010 đến nay có nguy cơ phải đóng cửa. Đồng nghĩa với đó là hàng ngàn tỷ đồng đầu tư của DN có nguy cơ mất trắng.

Ông Lâm Văn Thành, Giám đốc Công ty Công ty Nam Thành Nhung, Tân Uyên, Bình Dương, cho biết, xin được giấy phép xây dựng lò Tuynel, nhưng hoạt động không hiệu quả bằng Hoffman, nên đã chuyển sang xây lò Hoffman để sản xuất.

Thế nhưng, cũng giống như một số DN ở đây, Nam Thành Nhung đã bị liệt vào trường hợp phải ngưng hoạt động trong thời gian tới, mặc dù nhà máy nằm trong khu quy hoạch sản xuất VLXD của tỉnh.

Trong lúc định hướng chọn công nghệ nào vẫn đang còn bất nhất, thì nhiều ý kiến chuyên gia lại cho rằng, việc chuyển các cơ sở sản xuất gạch nung đất sét sang công nghệ Hoffman hay Tuynel, chẳng khác nào việc chuyển đổi từ công nghệ lạc hậu này sang công nghệ lạc hậu khác!

Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp VLXD năm 2020, Việt Nam có nhu cầu 42 tỷ viên gạch tiêu chuẩn đất sét nung. Tổng lượng gạch sản xuất trong 10 năm từ 2011- 2020 là 330 tỷ viên, sẽ tiêu tốn khoảng 500 triệu m3 đất sét (khai thác 1m2 đất canh tác được 2 m3 đất sét) thì sẽ mất 25.000ha ruộng trong vòng 10 năm, tiêu tốn 40 triệu tấn than và thải ra bầu khí quyển khoảng 148 triệu tấn khí độc hại.

Đầu tư linh hoạt

Việc chuyển từ sử dụng VLN sang VLKN là tất yếu của ngành công nghiệp xây dựng, tuy nhiên dù muốn hay không cũng phải theo một lộ trình phù hợp với những chỉ tiêu của Chính phủ.

Theo đó, tỷ lệ VLKN sát thực tế Việt Nam cho các năm 2010, 2015, 2020 tương ứng là 10%, 20 - 25%, 30 - 40%. Do đó, sử dụng công nghệ nào cho phù hợp với lộ trình, dễ chuyển đổi để tránh đầu tư không hiệu quả, hiệu suất đầu tư không cao.

Một số chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, cần có quy trình đầu tư thích hợp, tận dụng những cơ sở sản xuất hiện tại, tránh đầu tư xây dựng mới thêm cho dù đó là công nghệ Tuynel hay Hoffman.

Theo ông Văn Công Thới, Phó giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM, công nghệ Hoffman chi phí đầu tư thấp, khoảng 5 tỷ đồng cho một dây truyền sản xuất, tận dụng được nhiên liệu phế thải từ ngành nông lâm sản, nhanh thu hồi vốn, thuận lợi cho việc chuyển đổi sang sản xuất VLKN.

Tuy nhiên, vì đốt nhiên liệu liên tục, do đó cần đầu tư công nghệ lọc khí thải và bụi bẩn, còn toàn bộ công nghệ này hoạt động tương đối tốt.

Theo Công văn của Bộ Xây dựng gửi Sở Xây dựng một số tỉnh như Bình Dương, Bình Thuận, Tây Ninh, đầu tư xây dựng lò Hoffman phải đảm bảo: công nghệ gia công tạo hình phải được đầu tư đầy đủ hệ thống máy nhào trộn, ép hút chân không; lò phải cải tiến để tận dụng tối đa khí nóng, khói phải được qua hệ thống lọc nước, đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường; đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động.

Ông Đoàn Thanh Mỹ, Giám đốc cơ sở Thanh Mỹ, cho rằng, đầu tư theo công nghệ Hoffman chi phí thấp, giá thành sản phẩm thấp khoảng 450 – 480 đồng/viên, hoạt động khoảng 5 năm là thu hồi vốn và có lãi, đảm bảo lộ trình của Chính phủ khi chuyển sang sản xuất VLKN.

Đầu tư xây dựng theo công nghệ Tuynel chi phí vốn đầu tư lên đến vài chục tỷ đồng, kéo dài thời gian thu hồi vốn, chi phí sản xuất cao, do nhiện liệu đốt là than đá, kéo theo đó giá thành sản phẩm khá cao khoảng 530 - 580 đồng/viên, khả năng cạnh tranh thấp.

Theo ý kiến của các DN, nhà máy, cơ sở sản xuất gạch theo công nghệ Hoffman trên địa bàn các huyện như Tân Uyên, Bến Cát, Phú Giáo, Dầu Tiếng... tỉnh Bình Dương, cho rằng khó có khả năng chuyển đổi qua sản xuất theo công nghệ Tuynel vì vốn đầu tư quá lớn.

Việc chấm dứt hoạt động theo công nghệ Hoffman theo quy định của tỉnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì nhà máy vừa được xây dựng mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2010 đến nay.

Khi chuyển đổi từ lò thủ công sang công nghệ này mà chưa được sự chấp thuận của cơ quản quản lý Nhà nước có thẩm quyền, một số cơ sở xây dựng không đúng khu quy hoạch sản xuất VLXD, chuyển đổi công nghệ mang tính tự phát.

Đây cũng là trách nhiệm của cơ quản quản lý Nhà nước thiếu hướng dẫn cần thiết khi DN chuyển từ sản xuất thủ công sang sản xuất theo công nghệ.

Mặt khác, trong thời điểm hiện nay, chuyển sang công nghệ Tuynel để được cấp giấy phép hoạt động theo quy định thì vốn đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn kéo dài và sức cạnh tranh thấp khi công nghệ VLKN phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Mong muốn của các DN đang sản xuất theo công nghệ Hoffman là được tiếp tục hoạt động trong một thời gian nhất định để thu hồi vốn, đây cũng là một trong những giải pháp phù hợp trong giai đoạn chuyển tiếp sang sản xuất VLKN theo lộ trình của Chính phủ.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, để sản xuất 1 tỷ viên gạch nung tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét, tương đương 75 ha đất nông nghiệp với độ sâu khai thác là 2m và 150.000 tấn than, đồng thời thải khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường. Theo đà đó, đến năm 2020, nếu đáp ứng nhu cầu khoảng 42 tỷ viên gạch nung tiêu chuẩn, thì sẽ tiêu tốn khoảng 57-60 triệu m3 đất sét, tương đương 2.800-3.000 ha đất nông nghiệp và 5,3-5,6 triệu tấn than, thải ra khoảng 17 triệu tấn khí CO2.

 

ĐÌNH BẮC
Nguồn: Doanh Nhân Sài Sòn