Xác định đúng công nghệ sản xuất gạch đất sét nung khi xóa bỏ các lò gạch thủ công

 

Gạch đất sét nung (còn gọi là gạch đỏ) là vật liệu xây dựng truyền thống, có nhiều ưu điểm nhưng tỷ lệ sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung trên thế giới ngày càng giảm vì các lý do: nguồn nguyên liệu cho sản xuất ngày càng cạn kiệt, công nghệ sản xuất gây ra nhiều chất thải có hại, việc tiếp tục khai thác đất sét cho sản xuất gạch đất sét nung làm giảm diện tích trồng lương thực, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái, ... Ngày nay, người ta đã sáng tạo ra nhiều loại vật liệu thay thế gạch đỏ với những ưu điểm vượt trội cả về tính năng kỹ thuật, mỹ thuật và cả công nghệ sản xuất, đồng thời ít ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Đó là các vật liệu không nung khác nhau.

Để phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung (VLXDKN) thay thế cho gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm than, đem lại hiệu quả kinh tế cho xã hội. Ngày 28/04/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 567/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020". Theo đó, năm 2020, tỷ lệ sản xuất và sử dụng VLXDKN thay thế gạch đất sét nung ở nước ta sẽ là 30%-40% và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công.

Hiện nay, do phải xóa bỏ công nghệ sản xuất gạch đất sét nung bằng lò đứng thủ công nên một số chủ lò gạch muốn chuyển đổi sang công nghệ khác không bị cấm với chi phí thấp, phù hợp với điều kiện của mình. Để đáp ứng nhu cầu của các chủ lò gạch thủ công, trên thị trường đã xuất hiện một số tên gọi công nghệ mới, đôi khi gây lúng túng, khó hiểu cho người dân và các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Có thể nêu một số công nghệ thuộc dạng này như sau:

- Lò thủ công cải tiến (có nơi gọi là lò "úp vung"): 

Thực chất đây vẫn là lò thủ công. Loại lò này chỉ khác lò thủ công ở một điểm duy nhất là cấu tạo ống khói và xử lý khói. Tuy nhiên, việc xử lý khói không được thực hiện thường xuyên nên hiệu quả môi trường rất thấp.

- Lò "Hoffman cải tiến": 

Thực chất đây vẫn là loại lò Hoffman. Sự "cải tiến" chủ yếu có ý nghĩa đối với chủ đầu tư vì chi phí đầu tư thực sự thấp hơn so với lò Hoffman cổ điển.

- Công nghệ "Hoffman - tuynel cải tiến": 

Đây là cách gọi mập mờ, khó chấp nhận. Thực chất của công nghệ này là lò Hoffman cải tiến. Trong dây chuyền công nghệ này, người ta có sử dụng hầm sấy tuynel. Tuy nhiên, hầm sấy tuynel được xây tách rời lò vòng (lò Hoffman). Đây là cách "lách luật", đối với những địa phương không ủng hộ việc đầu tư công nghệ lò vòng (lò Hoffman). Nếu không xem xét kỹ, có thể cơ quan quản lý dễ nhầm "hầm sấy tuynel" với "công nghệ sản xuất gạch đất sét nung tuynel".

Ngoài những biến tướng trên, ở một số địa phương, các chủ đầu tư còn thuê các công ty tư vấn nhỏ, thiếu chuyên nghiệp lập dự án, thiết kế các dự án mang tên "Dự án đầu tư công nghệ sản xuất gạch tuynel" nhưng nội dung kỹ thuật lại không phải là công nghệ tuynel mà là: "Hoffman cải tiến" hoặc "Hoffman - tuynel cải tiến" ... Một số ít cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước ở các địa phương nghe được các thông tin "hấp dẫn" về lò thủ công cải tiến, lò "úp vung" đã lúng túng trong việc điều hành, quản lý. Vì vậy, để quản lý hiệu quả trong việc xóa bỏ các lò gạch thủ công cần phải nhận định đúng về các công nghệ để đầu tư sản xuất theo xu hướng tiến tiến, phù hợp với chủ trương của Nhà nước trong việc sản xuất gạch đất sét nung ở Việt Nam hiện nay.