Coi chừng giấy nhà đất giả

Lãnh đạo một số phòng công chứng cho biết có nhiều kiểu làm giả giấy chủ quyền nhà đất và so với trước đây giấy giả có kỹ thuật rất tinh vi, người bình thường khó phân biệt đâu là thật, đâu là giả.

Nhiều trường hợp làm giả giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở được các cơ quan chức năng phát hiện khi người dân đến công chứng. Đặc biệt, có trường hợp giấy chủ quyền giả đã lọt qua cửa công chứng, chỉ khi đến đăng ký giao dịch đảm bảo mới bị chặn lại.


Giả từ A tới Z

Nhà của ông C. và bà X. (ở P.6, Q.Tân Bình, TP.HCM) được cấp giấy chủ quyền năm 2002 và đã làm hợp đồng ủy quyền cho con là bà N. đứng tên đại diện. Tháng 3-2009, bà N. đem giấy chủ quyền căn nhà thế chấp cho một cá nhân ở Q.1 để vay tiền. Hai bên ra phòng công chứng ký hợp đồng thế chấp, tất cả các khâu đều trót lọt. Nhưng khi bên nhận thế chấp đem hồ sơ đến đăng ký tại Phòng Tài nguyên - môi trường (TN-MT) Tân Bình thì cơ quan này nghi ngờ.

Qua đối chiếu với hồ sơ lưu trữ, Phòng TN-MT Tân Bình phát hiện giấy chủ quyền và giấy xác nhận thuế mà bên nhận thế chấp đem đến đăng ký là giả mạo. Một cán bộ Phòng TN-MT Tân Bình cho biết tất cả thông tin trên giấy chủ quyền như tên chủ nhà, địa chỉ căn nhà, diện tích... đều là thật, chỉ có mẫu giấy không phải là thật.
 

Gần đây nhất vào đầu tháng 6, Phòng công chứng số 7 phát hiện một vụ việc nghi ngờ có liên quan đến giấy chủ quyền nhà đất giả khi công chứng mua bán nhà đất tại xã Bình Trị Đông, huyện Bình Chánh (nay là phường Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, TP.HCM).

Xem bản lưu trước đó và giấy chủ quyền mới của khách hàng đem đến công chứng, người bình thường rất khó nhận ra bởi hai bản đều giống nhau đến từng chi tiết, kể cả chữ ký của lãnh đạo UBND TP. Tuy nhiên ông Hoàng Mạnh Thắng, phó Phòng công chứng số 7, cho rằng nếu cán bộ có kinh nghiệm vẫn có thể nhận ra qua một số chi tiết khác thường giữa mẫu giấy thật và mẫu giấy nghi ngờ là giả.

Còn Phòng công chứng số 3 gặp một tình huống khác: toàn bộ giấy tờ liên quan như giấy xác nhận tình trạng độc thân, xác nhận tình trạng nhà, hộ khẩu, giấy chủ quyền nhà... đều bị làm giả. Cách nay hơn hai tháng, một người dân đến đề nghị công chứng hợp đồng thế chấp căn nhà diện tích hơn 200m2 tại Q.3, đi cùng là nhân viên một ngân hàng. Ngay khi kiểm tra giấy CMND của người thế chấp nhà, cán bộ Phòng công chứng số 3 thấy có biểu hiện bị làm giả và nói hồ sơ không thế chấp được. Có tật giật mình, người này nhanh chân bỏ chạy, để lại toàn bộ hồ sơ. Vụ việc được bàn giao cho cơ quan chức năng, qua kiểm tra xác định không có giấy nào là thật.

Không chỉ làm giả giấy chủ quyền, các giấy tờ liên quan mà gần đây còn xuất hiện cả hợp đồng công chứng mua bán nhà đất giả. Trưởng Phòng công chứng số 3 Trần Anh Tuấn cho biết cách nay không lâu cơ quan điều tra đem đến cho ông xem một hợp đồng công chứng mua bán nhà đất. Cả ba bản đặt trước mặt ông Tuấn đều có chữ ký y hệt chữ ký của ông. Một cán bộ hỏi: “Anh xem chữ ký nào là của anh?”. Sau một lúc săm soi, ông Tuấn khẳng định chỉ có một trong ba chữ ký trên là của mình. Nhưng cán bộ điều tra nói cả ba chữ ký đều là giả, không do chính ông Tuấn ký khiến ông Tuấn rất bất ngờ.

Theo các phòng công chứng, thường khi mua nhà đất bên mua phải đặt tiền cọc trước cho người bán để làm tin, sau đó mới ra công chứng mua bán, đăng ký thế chấp. Nếu gặp phải giấy chủ quyền giả thì người mua có thể mất hoặc đòi lại tiền cọc rất khó khăn. Để đảm bảo an toàn, người mua nên cẩn thận mượn giấy tờ tham khảo cơ quan chức năng trước khi đặt cọc hoặc làm hợp đồng mua bán, tránh trường hợp tiền mất tật mang.

Làm hai giấy để gian dối

Theo quyết định 54 của UBND TP về cấp giấy chủ quyền nhà đất trên địa bàn TP, người dân làm mất giấy chủ quyền được cấp lại giấy mới và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc mất giấy này. Tuy nhiên theo cán bộ một phòng TN-MT, không loại trừ khả năng một số trường hợp lợi dụng quy định này để được cấp thêm giấy chủ quyền khác trong khi giấy chủ quyền cũ vẫn còn nhằm mục đích gian dối.

Ngoài ra, trước đây có quy định giấy chủ quyền nhà đất của cá nhân do UBND TP cấp thì khi mua bán, thế chấp đăng ký giao dịch bảo đảm tại Trung tâm Thông tin TN-MT và đăng ký nhà đất TP (thuộc Sở TN-MT TP), còn giấy chủ quyền do UBND quận huyện cấp đăng ký tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (hoặc phòng TN-MT) quận huyện. Việc này phát sinh trường hợp người dân có giấy chủ quyền do TP cấp làm cớ mất sau đó xin quận huyện cấp lại giấy mới nhưng thực tế giấy cũ vẫn còn.

Do hai hệ thống đăng ký của TP và quận huyện không “nối mạng” thông tin với nhau nên khó kiểm soát được giao dịch của người dân. Rất may là các thông tin liên quan đến giấy chủ quyền cá nhân đã được TP chuyển về quận huyện nên việc kiểm tra dễ dàng hơn.

Ông Trần Quốc Tuấn, trưởng Phòng TN-MT Q.Tân Bình, cho rằng trường hợp người dân làm cớ mất giấy chủ quyền để được cấp thêm nhằm mục đích gian dối chủ yếu sử dụng cho các trường hợp giao dịch, thế chấp được thực hiện bên ngoài, không qua đăng ký giao dịch đảm bảo. Ông Tuấn khuyên không chỉ các giao dịch, thế chấp với các tổ chức mà cả giao dịch thế chấp giữa cá nhân với nhau cũng không nên làm hợp đồng tay mà cần công chứng, đăng ký giao dịch đảm bảo theo quy định. Một mặt để kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ, giấy chủ quyền, mặt khác người đăng ký giao dịch đảm bảo sẽ được ưu tiên thanh toán khi phát mãi tài sản.

Liệu có trường hợp phôi giấy chủ quyền thật nhưng bằng cách nào đó lọt ra ngoài, dẫn đến một nhà có nhiều giấy? Theo ông Tuấn, tình huống này rất khó xảy ra vì tất cả phôi giấy thật bị hư đều phải lập biên bản, thông báo cho cơ quan chức năng biết và xử lý.

Cần xử lý nghiêm

Theo các phòng TN-MT, phòng công chứng, để hạn chế tình trạng làm, sử dụng giấy chủ quyền nhà đất giả thì các cơ quan chức năng cần làm rõ, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm bị phát hiện. Vì nhiều trường hợp giá trị nhà đất không nhỏ trong khi việc làm giả rất tinh vi, nếu các “cửa” cơ quan chức năng không phát hiện thì giấy chủ quyền giả sẽ lọt ra bên ngoài, mua bán, thế chấp... gây thiệt hại cho người dân.

 Theo Địa Ốc TTO