Bài học đắt giá cho các làng nghề

Viên ngói sản xuất cách đây hàng trăm năm (trái) cũng có hoa văn giống sản phẩm (SP) của DNTN Sơn Vũ (giữa). SP của Sơn Vũ và SP của cơ sở Tám Tha (phải) có hoa văn cơ bản giống nhau

Từ một vụ kiện tranh chấp mẫu mã hàng hoá, hơn 500 cơ sở sản xuất gạch ngói ở Phú Phong (Tây Sơn, Bình Định) bị đẩy tới bờ vực phá sản, gần 10.000 lao động có nguy cơ mất việc. Điều bất thường là nhãn hiệu hàng hóa của DNTN Sơn Vũ (nguyên đơn vụ kiện) được bảo hộ lại chính là hoa văn truyền thống đã có từ 200 năm trước - yếu tố làm rạng danh "thương hiệu" gạch ngói Phú Phong, cũng là nguồn sống của cư dân Tây Sơn.

Cả làng thua kiện:

Ngày 28/4, DNTN Sơn Vũ khởi kiện cơ sở gạch ngói Tám Tha xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) về các chi tiết hoa văn (các đường thẳng song song, hình cổng chùa) trên sản phẩm ngói lợp. Giám đốc Sơn Vũ Ngô Văn Diệu yêu cầu cơ sở Tám Tha phải đình chỉ việc sử dụng các hoa văn này, đồng thời bồi thường thiệt hại 128,3 triệu đồng.

Một phần yêu cầu đó được TAND tỉnh Bình Định chấp nhận vì các lý do sau: Một là DNTN Sơn Vũ đã được Cục sở hữu trí tuệ (SHTT) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa độc quyền (quyết định A2530/QĐ - ĐK ngày 21/5/2004).

Hai là Sở Khoa học - Công nghệ Bình Định, UBND huyện Tây Sơn và Cục SHTT cũng kết luận sản phẩm ngói lợp Tám Tha có hoa văn giống với phần hình tương ứng trên nhãn hiệu hàng hóa của Sơn Vũ đã được nhà nước bảo hộ".

Nhận định Tám Tha vi phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu hàng hóa của Sơn Vũ, toà tuyên buộc Tám Tha phải đình chỉ việc sử dụng các chi tiết hoa văn nói trên và chịu các khoản phí giám định.

Trong phiên xử phúc thẩm ngày 17.8, TANDTC tại Đà Nẵng tuyên buộc Tám Tha ngoài việc chấm dứt "hành vi xâm phạm quyền SHCN", còn phải bồi thường 87,3 triệu đồng vì đã "gây thiệt hại" cho DNTN Sơn Vũ.

Thừa thắng, DNTN Sơn Vũ tiếp tục chuẩn bị các bước khởi kiện 2 Hợp tác xã gạch ngói lớn nhất Tây Sơn là Phú Phong và Đồng Tiến. Ngày 10/10, chính quyền huyện Tây Sơn yêu cầu các hợp tác xã này không được sản xuất gạch ngói có hoa văn giống sản phẩm của Sơn Vũ. Ngoài ra, Sơn Vũ còn ra thông báo yêu cầu các DN và cơ sở khác phải chấm dứt ngay việc sản xuất mặt hàng này. Hàng loạt DN, cơ sở gạch ngói Tây Sơn lập tức bị đẩy tới bờ vực phá sản, gần 1 vạn lao động có nguy cơ mất việc.

Cần trả lại di sản cho làng nghề:

Ngay sau khi các bản án được tuyên, hơn 500 DN và cơ sở sản xuất gạch ngói tại Tây Sơn đã có đơn gửi Cục SHTT khẩn thiết đề nghị xem xét lại việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa độc quyền cho DNTN Sơn Vũ.

Theo những người am tường gạch ngói thì từ đầu thế kỷ XIX đã có loại ngói Phú Phong như ngày nay rồi, nó thay thế ngói vảy và ngói âm dương. Ngói Phú Phong có 2 quy cách là loại 22 viên/m2 và loại 24 viên/m2; hoa văn trên bề mặt viên ngói cũng chỉ có 2 loại là hình ca rô chéo góc (còn gọi là mặt võng) và hình cổng chùa. Những quy cách và hoa văn này được các thế hệ người làm ngói Tây Sơn kế thừa, sử dụng rộng rãi từ 200 năm qua.

Nó là yếu tố làm nên "thương hiệu" gạch ngói Phú Phong nổi tiếng, cũng là nguồn sống chính của cư dân Tây Sơn từ hàng trăm năm nay. Do quan niệm hoa văn trên gạch ngói Phú Phong là trí tuệ của tiền nhân để lại, nên trước nay không cá nhân nào đi đăng ký quyền sở hữu công nghiệp cho riêng mình.

Mặt khác, chỉ cần xét về thời gian đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của DNTN Sơn Vũ cũng đã thấy bất ổn. Cơ sở Tám Tha bắt đầu sản xuất gạch ngói từ năm 1991, trong khi DNTN Sơn Vũ chỉ mới hoạt động từ năm 2004 nên không thể nói hoa văn trên ngói Phú Phong là do Sơn Vũ sáng tạo. Vì vậy, cần thiết phải xem xét lại việc Cục SHTT cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá độc quyền cho DNTN Sơn Vũ.

Cũng cần thấy rằng, hoa văn trên gạch ngói Phú Phong không chỉ đơn thuần là "kiểu dáng công nghiệp" mà còn là giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc. Vì thế nó cần được giữ gìn và phát huy như một thứ tài sản chung, chứ không thể cứ ai "nhanh chân" là được sở hữu độc quyền rồi kiện các DN khác phá sản.

Vụ việc trên cũng cảnh báo các làng nghề trong việc đăng ký bảo hộ mẫu mã, nhãn hiệu cho các sản phẩm chung trước thềm hội nhập.


Ông Nguyễn Anh Dũng - Trưởng phòng Quản lý khoa học và Sở hữu trí tuệ, sở Khoa học - Công nghệ Bình Định: Những đường nét hoa văn trên viên ngói Phú Phong là sản phẩm trí tuệ của dân gian từ xưa để lại, mọi người trong làng nghề đều được thụ hưởng chứ không phải riêng DNTN Sơn Vũ. Việc Sơn Vũ lấy chi tiết hoa văn của làng nghề đăng ký độc quyền cho sản phẩm riêng là sai. Tôi ủng hộ việc đăng ký mẫu mã, nhãn hiệu hàng hóa chung cho cả làng nghề gạch ngói Phú Phong, vì những gì họ đang sử dụng là trí tuệ chung của tiền nhân để lại chứ không phải sáng tạo riêng của một cá nhân nào.
                                                                                                                                                                                 Theo báo Lao Động