Trang trí căn nhà có "gu" không dễ

 

Có lẽ chưa bao giờ người tiêu dùng có được sự lựa chọn nội thất phong phú và đa dạng như hiện nay cho căn nhà của mình. Cùng với sự bùng nổ ấy, các mẫu mã, phong cách nội thất cũng ồ ạt "du nhập" vào. Chắc hẳn ai cũng mong nhà đẹp, nhà sang, nhà có gu, nhưng điều này cũng chẳng dễ.

Điển hình và dường như “đang bị” trở thành trào lưu mới là phong cách nội thất cổ điển châu Âu với đủ loại bàn ghế, vật dụng trang trí nhiều hoạ tiết, khung viền gỗ trắng, mạ vàng hoặc giả mạ vàng. Đây là những vật dụng đặc trưng của giới quý tộc và vua chúa châu Âu xưa. Có người xếp chúng vào thời kỳ vua Louis XIV, XV… nhưng giới chuyên môn lại chẳng thể xếp chúng hẳn vào một thời kỳ cụ thể nào bởi những mẫu thiết kế này đã bị thay đổi đi ít nhiều. Với những hoạ tiết cầu kỳ, màu sắc rực rỡ, chúng thể hiện sự quyền quý của gia chủ và chắc hẳn cũng nhiều người tìm đến nó với lý do ấy, hoặc cũng chỉ đơn giản vì mê “cái lạ”. Tuy nhiên “cái lạ” ấy không phải đặt ở đâu cũng đẹp. Những bộ bàn ghế cổ điển, thường cần cho mình không gian rộng lớn, trần cao ít nhất cũng phải 5m, khung cửa sổ lớn và rộng, tranh tường và trần cũng phải cùng ngôn ngữ ấy. Không gian nhà Việt rất hiếm để cao, rộng, thoáng như vậy. Cuộc sống đô thị ngày nay với căn hộ chung cư, biệt thự song lập… cũng không phải là không gian lý tưởng của những vật dụng cổ điển trên.

Phú Điền - Hình ảnh phòng khach trang trí đa phong cách bằng vật dụng Á Âu

Không gian phòng khách ấm cúng và thư thái bởi sự phối ghép rất tinh tế của nhiều vật dụng Á Âu đa phong cách. Ảnh: David Dinh

Trong môi trường khí hậu nhiệt đới nóng ẩm của Việt Nam, một căn phòng quá cầu kỳ còn tạo ra cảm giác ngột ngạt, bức bách. Việc “bê nguyên” trọn bộ sưu tập từ showroom nội thất về nhà bạn là rất không nên khi không gian không phù hợp. Ở Việt Nam, thực sự cũng chưa showroom nào có không gian lý tưởng để trưng bày nội thất phong cách cổ điển châu Âu. Vì thế, chúng ta chỉ nên chọn lựa một vài đồ vật để tô điểm thêm cho “không gian sống” của mình.

Phú Điền - Hình ảnh nội thất Á Đông và Tây Âu

Nội thất Á Đông và Tây Âu hoà quyện tạo nên một không gian tĩnh và mát giữa Sài Gòn nhiệt đới. Ảnh: Zhivago

Nối tiếp về phong cách nội thất, có người lại yêu kiểu nông thôn dân dã gần gũi với những nồi đất, bát đất, chậu đất, sập gụ tủ chè. Hơn một thập kỷ qua, chúng ta chứng kiến sự phát triển của nội thất đồ gỗ Đồng Kỵ và những làng nghề như thế. Gỗ quý, gỗ tốt dưới bàn tay khéo léo của những người thợ đã trở thành những sản phẩm nội thất tốt len lỏi vào nhiều nhà. Nhưng khi nhu cầu quá cao và đặc biệt là tâm lý chạy theo xu hướng đám đông, thì chúng ta lại bắt gặp không ít không gian sống rất nặng nề, u ám. Cái gì “quá” đều không tốt cả, đồ gỗ nội thất các làng nghề vì thế cũng mượn thêm nhiều hoạ tiết lạ, cái dáng cũng “dại” đi, chẳng còn cái duyên gỗ Việt. Còn không gian nhà Việt cũng ngày càng rối rắm và nặng nề. Chung cư mới, biệt thự mới với trần thạch cao giật “nhiều” cấp đi cùng bàn ghế gỗ gụ hoành tráng lắm nhưng chẳng đẹp, chẳng thể gọi là “có gu”. Có người còn “giật mình sợ” khi bước vào nhà ở mà uy nghi quá, chẳng thấy cái gần gũi, thanh thản đâu. Khách vào nhà cũng chẳng thấy nhẹ nhàng. Để tránh sự cầu kỳ và quá tay, chúng ta hãy chọn lọc, kết hợp đồ đạc, vật dụng đó một cách linh hoạt và phóng khoáng để có được một “không gian sống” có hồn thực sự.

Phú Điền - Hình ảnh nội thất theo phong cách thực dân

Nội thất phong cách thực dân (colonial style).

Muốn tìm được gu cho không gian nội thất của mình, trước hết bạn cần hiểu thói quen sống của mình, mình cần gì, muốn gì. Tiếp đó là hiểu tường tận về không gian đang sống để tìm một tiếng nói chung cho vật dụng và không gian ấy. Thêm vào đó, chúng ta có thể tìm đến những nhà tư vấn thiết kế nội thất chuyên nghiệp. Không ít người can thiệp quá nhiều vào quá trình thiết kế, có người lại quá dễ dãi với những nhà thiết kế của mình, và cũng có cả nhà thiết kế thương mại hoá quá nhiều trong quá trình tư vấn thiết kế mà quên đi cái đích cần là một tác phẩm đẹp và tốt cho gia chủ, vừa lòng cả hai bên.

Phú Điền - Hình ảnh bàn ăn hiện đại

Bộ bàn ăn phong cách cổ điển làm điểm nhấn trong không gian hiện đại. Một góc nhỏ đáng yêu cho những người yêu thích phong cách cổ điển romantic. Ảnh: Zhivago

Thay vì sự sắp xếp đồng bộ khô cứng, chúng ta hãy mạnh dạn phối ghép các vật dụng từ những style khác nhau, nhưng vẫn cùng tạo nên một tổng thể chung hài hoà. Ví dụ, đồ vật phong cách art deco với tone màu gỗ đậm rất hợp với những vật dụng sơn mài, đầu tượng, đồ đất của phương Đông. Hay một vài chiếc ghế cổ điển từ Pháp sẽ rất hợp với phong cách nội thất chi tiết sang trọng kiểu Anh cho những căn biệt thự. Một căn hộ cực thiểu hơi chút nhàm chán sẽ bừng sáng hơn nhiều với một vài thiết kế tinh tế, nhẹ nhàng đến từ Bắc Âu hoặc một tấm thảm xứ Ba Tư. Một công thức an toàn mà chúng ta có thể bám vào đó là 80 – 20. Tức là bạn nên chọn 80% đồ vật theo một style chung và 20% còn lại là khác kiểu để tạo ra tính sinh động cho tổng thể. Các loại gỗ như gỗ óc chó, gỗ anh đào, gỗ sồi rất dễ phối ghép, xen lẫn nhau. Tre, mây, và gỗ thông cũng vậy, chúng có thể tạo thành một nhóm vật liệu để chúng ta thoả sức thử nghiệm kết hợp. Nhìn ra nội thất thế giới, mọi thứ rất đa dạng và không hề có sự rập khuôn cứng nhắc. Chúng ta luôn thấy sự kết hợp pha trộn nhiều màu sắc từ phong cách cổ điển đến hiện đại hay từ giữa các phong cách mang tính vùng miền như Bắc Âu, Địa Trung Hải, Á Đông và Bắc Phi... Mọi thứ đều có thể trở nên đẹp và sáng tạo, trở thành cái gu riêng khi chúng tìm được một ngôn ngữ chung!

Phu Điền - Hình ảnh nội thất theo phong cách Scandinavian

Phong cách Scandinavian (Bắc Âu) với tone màu sáng và phóng khoáng.

Phu Điền - Hình ảnh nội thất đa phong cách

Bàn ghế và các phụ kiện decor đến từ khắp nơi trên thế giới trong một căn hộ chung cư ở Đức: đầu tượng phật châu Á, ghế bành Ý, bàn nước Hà Lan, đôn gỗ Nam Phi. Tone màu nâu trầm gỗ và đỏ trầm đem lại tính thống nhất của cả không gian

Phú Điền - Hình ảnh bàn ghế và phụ kiện có thiết kế kinh điển từ năm 1930

Phối ghép nội thất với những vật dụng có thiết kế kinh điển từ thập niên 1930 – 1950 (Ảnh © Alexandre & Emilie, Persona production)

(Theo SGTT)