Các công trình kiến trúc bằng gạch đất nung đẹp ngỡ ngàng của nông dân

Ở Trực Hùng (Trực Ninh, Nam Định) có những lò gạch đẹp và độc đáo đến ngỡ ngàng. Nó mang dáng dấp của một thánh đường Thiên chúa, nằm rải rác dọc lạch Liên Cơ.

Lò gạch mang kiến trúc gothic
 
Thoạt nhìn không ai nghĩ đây là lò gạch
Chúng tôi tìm về Trực Hùng - xã thuần nông nằm ven dòng Liên Cơ đục ngầu phù sa, nơi có nhiều lò gạch nhất huyện Trực Ninh vào một buổi chiều muộn. Thoạt nhìn, không ai nghĩ những "công trình" mọc liền kề, san sát nhau, dọc hai bên bờ lạch Liên Cơ là lò gạch, bởi chúng rất giống những tòa nhà mang kiến trúc gothic hoặc những thánh đường Thiên chúa thường thấy ở thành Rome.
Kiểu kiến trúc mái vòm và tòa tháp nhiều tầng, với dàn ống khói cao chọc trời đã khiến cho những lò gạch nơi đây mang dáng dấp độc đáo duy nhất có.
Anh Trần Văn Bắc - Công nhân lò gạch ở Trực Hùng đang giới thiệu về kết cấu của lò gạch

Quan sát kỹ mới thấy hết được sự kỳ công của các "kiến trúc sư" nông dân khi xây dựng những lò gạch này. Mỗi một lò gạch ở đây thường có kiến trúc hai phần rõ rệt: lò và ống khói. Ống khói của những lò gạch này hầu hết đều có hình chữ nhật nhưng đến phần tiếp giáp với lò lại có hình tròn, chiều cao bình quân của mỗi ống khói khoảng 30 m.
Người dân ở đây cho biết, chiều cao của ống khói với lò bao giờ cũng được phân chia cân đối theo tỉ lệ 2/3 (lò cao bằng 2/3 ống khói). Mặt trong của ống khói thường được trát bằng một lớp bùn trộn than và vôi, mặt ngoài thường bằng xi măng để giữ độ bền.
Riêng phần lò, người dân rất chú trọng đến độ bền lẫn hình thức bên ngoài. Lò được xây bằng hỗn hợp bùn trộn than và đất sét. Không tính phần mái vòm trên cùng thì lớp ngoài của mỗi lò gạch thường có 3 tầng. Tuy nhiên, trong lòng lò gạch lại chỉ có 2 tầng rưỡi. Tầng dưới cùng được dùng để đun củi và than, còn lớp trên dùng để chất gạch. Lòng lò cao khoảng 8 - 10m, chiều ngang bình quân là 7 m.
Điểm tạo nên sự độc đáo cho những lò gạch này chính là những đường vòm được uốn cong mềm mại, cân đối. Một số lò gạch còn phối hợp đan xen các ô vòm theo nhiều hình dạng khác nhau như hình parabol hoặc hình trái tim. Ở hai mặt hai bên phần thân lò, mỗi tầng sẽ có số ô vòm khác nhau. Tầng dưới cùng thường là 4 vòm một mặt, tầng hai là 5 và tầng 3 sẽ là 6. Kích thước của mỗi ô vòm này cũng rất linh hoạt. Đây cũng là kiểu kiến trúc phổ biến của các thánh đường Thiên chúa giáo ở Việt Nam và một số nước phương Tây.
Vì đại đa số lò gạch đều xây dựng hai bên bờ sông nên người dân ở đây rất chú ý đến khâu đổ móng. Móng lò gạch được làm rất kiên cố theo kiểu giật cấp, vòng ngoài rộng vòng trong hẹp dần. Móng được đào sâu xuống lòng đất tới 1m, độ dày thành móng 60 - 80cm. Tất cả các móng đều được xây bằng đá xanh và xi măng. Một điều lạ là hầu hết các lò gạch này đều được làm chủ yếu bằng thủ công và không cần một bản vẽ nào hết.
"Nếu 10 nhân công cùng tập trung làm thì mỗi lò phải mất tới 1 tháng mới xong. Còn ít người hơn thì có thể sẽ kéo dài gần 2 tháng. Chi phí cho mỗi lò gạch kiểu này phải mất ít nhất 70 - 100 triệu đồng... Ai đến đây cũng đều ngạc nhiên khi nghe chúng tôi kể lại quá trình làm lò gạch này. Còn chúng tôi, chuyện làm một lò gạch còn đơn giản và dễ dàng hơn xây nhà ở nhiều" - Anh Trần Văn Bắc, 32 tuổi, ở Trực Hùng cho biết.
Kiến trúc kiểu mái vòm rất giống kiểu kiến trúc của thánh đường

Ông Nguyễn Văn Hòa (62 tuổi), người làng Mác (thuộc xã Trực Hùng) cho biết thêm: "Dọc theo lạch Liên Cơ này có hơn 100 lò gạch mang kiến trúc độc đáo như thế này. Cứ 1km lại có ít nhất là 5 - 10 lò gạch nằm cạnh nhau, có nhiều chỗ mật độ còn dày hơn. Từ nhiều đời nay, người dân quanh dòng sông Ninh Cơ vẫn tận dụng những bãi đất gần sông để dựng lò gạch và lấy đây làm nghề chính (sau làm ruộng) để mưu sinh. Chính vì thế mà lò gạch mọc lên ngày càng nhiều".

Đi tìm nguồn gốc kiểu kiến trúc lạ
Những lò gạch độc đáo này mọc liền kề nhau bên bờ lạch Liên Cơ
Chúng tôi đã gặp rất nhiều chủ lò gạch để tìm hiểu về nguồn gốc, xuất xứ của kiểu kiến trúc lạ này nhưng hầu hết đều không biết kiểu kiến trúc này xuất hiện từ bao giờ. Đại đa số chủ lò gạch đều thú thật rằng họ bắt chước lẫn nhau để làm chứ không có kiến trúc sư, nhà tư vấn thiết kế nào chỉ cho họ.
Tuy nhiên, theo ông Lê Minh Tự (73 tuổi) nhà gần bến phà Ninh Cường, xã Trực Hùng, kiểu kiến trúc này bắt nguồn từ các nhà thờ Thiên chúa giáo quanh vùng. "Nam Định là vùng có rất nhiều người theo đạo Công giáo do đó mỗi xã đều có một vài nhà thờ. Những nhà thờ này đều được kiến trúc rất cầu kỳ và mang đậm dấu ấn phương Tây. Chủ lò gạch ở đây cũng rất nhiều người theo đạo. Bởi vậy, những lò gạch mang kiến trúc kiểu này chính là bắt chước lối kiến trúc của nhà thờ mà ra. Nó không giống với những lò gạch ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình... là thế" - Ông Tự nói.

Đồng quan điểm với ông Tự, bà Nguyễn Thị Cư (70 tuổi) thuộc giáo xứ làng Mác cũng khẳng định những lò gạch này chính là một bản sao của thánh đường Thiên chúa trước đây. Theo bà Cư thì người khởi xướng kiểu kiến trúc này là một giáo dân rất mộ đạo (giáo dân này đã qua đời năm 2007).
Cũng theo ông Tự, những lò gạch này dù đã nhuốm màu thời gian nhưng đều là mới xây dựng lại trong chục năm trở lại đây. Lò gạch có tuổi đời cao nhất ở đây cũng chỉ trên dưới 15 năm tuổi. "Khoảng vài chục năm trở về trước, người ta toàn dựng lò gạch dã chiến. Đó là những lò nhỏ, được xây dựng như căn nhà một gian, hầm đốt củi được đào sâu dưới lòng đất và nguyên liệu để làm những lò gạch đó chủ yếu là vôi và đất sét" - Ông Tự cho biết.
Hiện ở Trực Hùng có hai kiểu lò gạch phổ biến đó là lò đơn và lò kép. Lò đơn là lò chỉ một ống khói và một lò duy nhất. Còn lò kép là hai lò cùng chung một ống khói. Theo khẳng định của nhiều người, tuy được xây bằng những nguyên liệu sẵn có nhưng độ bền của những lò gạch như thế này rất cao, bình thường có thể tồn tại 40 đến 50 năm mới tàn.
 
Hà Tùng Long (http://idcorp.vn)