2 phương án định giá đất

Giá đất do Nhà nước quy định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm định giá, đảm bảo phù hợp với cơ chế thị trường.

Quan điểm trên được ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đưa ra khi trình bày trước Quốc hội về báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), sáng 29/10.

Theo ông Giàu, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu nên giá đất phải do Nhà nước quyết định, bao gồm khung giá đất và mức giá cụ thể. Khung giá đất, bảng giá đất được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với từng loại đất, các đối tượng sử dụng đất và các trường hợp giao đất, cho thuê đất.

“Đa số ý kiến tán thành nguyên tắc giá đất do Nhà nước quy định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm định giá, đảm bảo phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”, ông Giàu nói.

Phú Điền- Nguyên tắc định giá đất

Tuy vậy, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc nguyên tắc định giá đất theo thời hạn sử dụng đất vì quy định này có nghĩa là khi hết thời hạn sử dụng đất nông nghiệp mà Nhà nước thu hồi đất thì sẽ không bồi thường cho người có đất bị thu hồi.

Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị quy định áp dụng phương pháp thu nhập để định giá đất nông nghiệp vì hiện nay khiếu kiện của người dân chủ yếu là giá đền bù đất nông nghiệp.

Trước đó, tại tờ trình, Chính phủ, đưa ra 2 phương án định giá đất. Theo phương án 1, Chính phủ quy định khung giá đất, giá đất thuộc khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

“Khi giá đất trên thị trường có biến động 20% so với khung giá đất và giá đất tại khu vực giáp ranh và thời gian tăng, giảm liên tục 180 ngày trở lên thì điều chỉnh cho phù hợp”, báo cáo của Chính phủ nêu rõ.

Đồng thời, căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất, khung giá các loại đất và giá đất tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất tại địa phương; khi giá đất thị trường tăng hoặc giảm trên 20% so với bảng giá đất và thời gian tăng hoặc giảm phải liên tục từ 60 ngày trở lên thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp.

Phương án 2 là khung giá đất được xây dựng định kỳ 05 năm một lần và được công bố vào ngày 1 tháng 1 của năm đầu kỳ.

Ông Giàu cũng cho biết: Về áp dụng giá đất do Nhà nước quy định, một số ý kiến tán thành áp dụng bảng giá đất cho tất cả các mục đích như phương án 1 để bảo đảm công bằng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Tuy vậy, cũng có ý kiến tán thành phương án 2, các trường hợp như giao đất, cho thuê đất không theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thì không áp dụng bảng giá mà thực hiện việc định giá đất cụ thể tại thời điểm thực hiện. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào nguyên tắc, phương pháp định giá đất, quyết định giá đất cụ thể nhưng không thấp hơn bảng giá đất.

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về định giá đất tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo hướng giao cơ quan có trách nhiệm xây dựng khung giá đất căn cứ vào nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất để xác định phạm vi, giá đất khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để làm cơ sở cho các địa phương ban hành giá đất nhằm khắc phục bất cập về chênh lệch giá đất tại khu vực giáp ranh hiện nay.
 Theo baodatviet.vn