Cấp sổ đỏ sẽ về một mối

 

Câu chuyện người dân kêu ca khó khăn, tốn kém khi làm giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất ở (sổ đỏ) đã trở thành chuyện cơm bữa. Và qua các cuộc thanh kiểm tra công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn Hà Nội, dường như vi phạm trong giải quyết thủ tục hành chính, đất đai là không của riêng nơi nào. Để giảm bớt phiền hà cho người dân, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án thí điểm hệ thống văn phòng đăng ký sử dụng đất thành một cấp trực thuộc Sở TN&MT.

Phú Điền - Hình ảnh cho thủ tục cấp sổ đỏ

Nếu thực hiện tốt đề án này sẽ thực sự đi vào cuộc sống, giảm bớt phiền hà trong nhân dân

Nỗi niềm không của riêng ai

Việc kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ cấp sổ đỏ trước hết phải nói đến trình độ và trách nhiệm của cán bộ tiếp nhận hồ sơ. Thời hạn giải quyết tính từ ngày nhận đủ “hồ sơ hợp lệ”. Bà Bùi Thị C, trú tại P.Văn Miếu, Q.Đống Đa, Hà Nội nộp hồ sơ xin cấp “sổ đỏ” cho thửa đất diện tích hơn 70m2 thuộc P.Cống Vị từ ngày 01/11/2010. Phiếu tiếp nhận và hẹn trả hồ sơ hành chính của P.Cống Vị ghi ngày hẹn trả kết quả là 12/11/2010.

Tuy nhiên, do bản án tòa tuyên và quyết định thi hành án chia diện tích chênh lệch với số đo thực tế (diện tích thực tế bị hụt hơn, bà C và hộ liền kề đã làm biên bản tại phường, cam kết xin cấp “sổ đỏ” theo diện tích thực tế), nên cán bộ địa chính P.Cống Vị cho rằng nếu xác nhận cấp “sổ đỏ” theo số liệu này ở góc độ quản lý Nhà nước thì không thể được, mà phải chờ cơ quan có thẩm quyền đính chính lại thông tin. Trong khi đó, tại Điều 18, Nghị định số 84/2007/NĐ-CP quy định: “Trường hợp số liệu đo đạc thực tế theo đúng quy phạm kỹ thuật về đo đạc địa chính, mà diện tích thửa đất nhỏ hơn diện tích đã ghi trên giấy tờ về QSDĐ, thì Giấy chứng nhận được cấp theo số liệu diện tích đo đạc thực tế” và “Người sử dụng đất không được truy nhận số tiền sử dụng đất đã nộp (nếu có), đối với phần diện tích ít hơn so với diện tích đất ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất”.

Do cách áp dụng luật thiếu linh hoạt này mà mấy tháng trôi qua, bà C vẫn chỉ nhận được giải thích “chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên” cho việc xin cấp “sổ đỏ” của mình… Quá mệt mỏi, bà C đã nhờ đến người quen làm tại Bộ TN&MT “giúp”. Đây chỉ là một trong hàng trăm trường hợp bị “làm khó” khi xin cấp “sổ đỏ”. Kết quả thanh tra việc thực hiện công vụ và chấp hành các quy định của pháp luật trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại 16 phường, xã, thị trấn trên địa bàn 11 quận, huyện của Hà Nội: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ, Đống Đa, Hà Đông, Long Biên, Đông Anh, Thanh Trì, Phú Xuyên, Đan Phượng cho kết quả hầu hết các địa phương đều có sai phạm, thiếu sót.

Thủ tục phiền hà nhất

Theo kết quả điều tra khảo sát về cảm nhận của người dân về nền hành chính công do Trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ cộng đồng thực hiện: Lĩnh vực "mất điểm” nhất đối với người dân đó là những TTHC có liên quan đến đất đai, cụ thể là việc cấp sổ đỏ. 45% trong số người dân tham gia vào các cuộc khảo sát đều cho rằng thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất là những thủ tục phiền hà nhất. 67% số người trả lời khảo sát cho rằng thủ tục hành chính cần quá nhiều giấy tờ và 73% trong số họ cho rằng cần có mối quen biết mới hoàn thành được thủ tục cần làm.

Có thể nói những năm qua chúng ta đã rất nỗ lực nhằm hướng tới một nền hành chính phục vụ nhưng nút thắt của tiến trình cải cách này vẫn chưa được cởi. Vẫn còn rất nhiều loại giấy tờ, thủ tục con "hành dân” phải đi lại rất nhiều lần mỗi khi làm những thủ tục liên quan đến đất đai. Nhận thấy những vướng mắc của những TTHC trong lĩnh vực này, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận.

Phú Điền - Hình ảnh cho thủ tục cấp sổ đỏ

Theo Sở TN&MT Hà Nội, những sai phạm điển hình là: Thời gian thụ lý, thẩm định hồ sơ và xét cấp “sổ đỏ” kéo dài; cơ sở dữ liệu thông tin địa chính còn thiếu; nhiều “sổ đỏ” đã viết xong, hoặc đã được lãnh đạo quận, huyện ký nhưng chưa được trao đến tay người dân; đội ngũ cán bộ còn thiếu và hạn chế về trình độ chuyên môn… Việc kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ cấp “sổ đỏ” trước hết phải nói đến trình độ và trách nhiệm của cán bộ tiếp nhận hồ sơ. Thời hạn giải quyết là thời hạn tính từ ngày nhận đủ “hồ sơ hợp lệ”. Thế nhưng, rất nhiều cán bộ chẳng rõ có hiểu thế nào là “hồ sơ đầy đủ, hợp lệ” không nhưng cứ nhận, rồi một thời gian sau khi trình lên UBND quận lại yêu cầu người dân, DN bổ sung hồ sơ, gây nên bức xúc vì phải đi lại nhiều lần. Nhiều người cho rằng đây là “cách làm việc” của không ít cán bộ, nên ai muốn được hướng dẫn “tận tình, chu đáo” ngay từ đầu thì phải có thêm một khoản “phụ phí” hợp lý…

Thí điểm trong 21 tháng

Đề án thí điểm hệ thống văn phòng đăng ký sử dụng đất (VPĐKSDĐ) thành một cấp trực thuộc Sở TN&MT vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, việc thí điểm sẽ được thực hiện tại 4 tỉnh, thành: Hà Nam, Hải Phòng, Đà Nẵng và Đồng Nai.

Mục tiêu của đề án nhằm kiện toàn hệ thống VPĐKSDĐ thành một cấp trực thuộc các Sở TN&MT nhằm khắc phục hạn chế của hệ thống VPĐKSDĐ ở hai cấp hiện nay (tỉnh, thành và quận, huyện) và tiến tới chuẩn hóa hệ thống VPĐKSDĐ theo mô hình của các nước trên thế giới, phù hợp với điều kiện công nghệ hiện đại. Tại tỉnh Hà Nam, đề án được thí điểm trong phạm vi TP Phủ Lý và 2 huyện Lý Nhân, Kim Bảng. Tại TP Hải Phòng, thí điểm trong phạm vi Q.Ngô Quyền và huyện Thủy Nguyên. Tại TP Đà Nẵng, thí điểm trong phạm vi toàn TP (6 quận, 2 huyện). Tại Đồng Nai, thí điểm trong phạm vi toàn tỉnh (1 TP, 1 TX, 9 huyện).

Mô hình văn phòng đăng ký một cấp là văn phòng đăng ký cấp tỉnh, có các chi nhánh trực thuộc, được bố trí theo phạm vi địa bàn (mỗi chi nhánh phụ trách một huyện, quận, TP thuộc tỉnh), được thành lập trên cơ sở chuyển nguyên trạng từ các văn phòng đăng ký trực thuộc Phòng TN&MT của các TP, TX, quận, huyện thí điểm.

Văn phòng đăng ký một cấp thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của văn phòng đăng ký cấp tỉnh và nhiệm vụ của Văn phòng đăng ký cấp huyện theo quy định của pháp luật hiện hành trong phạm vi địa bàn thí điểm. Chi nhánh Văn phòng đăng ký có chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của văn phòng đăng ký một cấp trong phạm vi địa bàn được giao quản lý, bao gồm: Thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và đăng ký biến động đối với tất cả các đối tượng (tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư và cơ sở tôn giáo...

Riêng thẩm quyền ký cấp giấy chứng nhận sẽ thực hiện thí điểm tại TP Đà Nẵng, giao cho Sở TN&MT ký cấp giấy chứng nhận cho tất cả các đối tượng, bao gồm: Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; hộ gia đình; cộng đồng dân cư; cơ sở tôn giáo. Thời gian thực hiện đề án trong 21 tháng, từ tháng 4/2012 và kết thúc vào tháng 12/2013.

Hiệp Bắc