Ảm đạm thị trường sắt thép

Tại các cửa hàng sắt thép từ Giáp Bát qua Đê La Thành rồi Giảng Võ, Cát Linh, Khuất Duy Tiến (Hà Nội)... tất cả đều trong tình trạng vắng khách ghé thăm.

Phú Điền- ẩm đạm sắt thép
 
Thống kê mới nhất từ Tổng cục thống kê, sản lượng sắt, thép đang giảm liên tục trong những tháng qua. Riêng trong quí I/2012 sản lượng sắt thép sản xuất đã giảm 24,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi sản lượng tồn tăng đến 59,1%.

Mặc dù giá cả nguyên vật liệu đầu vào từ đầu năm đến nay tăng liên tục nhưng sản phẩm thép cũng không thể tăng theo, thậm chí còn giảm bởi nhu cầu của thị trường rất ít. Ông Vũ Hữu Duẩn - Giám đốc Công ty DMT Việt Nam cho biết: “Từ đầu năm đến nay, thép Đa Hội không tăng mà giảm khoảng 200 đồng/kg”.
 
Chủ cửa hàng Bẩy Lan (số 88 Giảng Võ) cho biết: Sản lượng tiêu thụ thép ở đây rất chậm, nhân viên toàn ngồi chơi.

“Bất động sản nằm im thì thép cũng nằm im luôn. Chỉ mong việc kinh doanh đủ lo tiền trả thuê cửa hàng” - bà chủ cửa hàng chia sẻ.

Tuy không bán được hàng trong thời điểm này nhưng tâm lý bán hàng của chủ các cửa hàng sắt thép khá “rắn”, không linh hoạt như trước.

“Không bao giờ tôi bán chịu. Với tình hình hiện nay nếu bán chịu biết đến bao giờ mới đòi được nợ” - bà chủ cửa hàng sắt thép Yên Xồm (110 B8 đường Khuất Duy Tiến) cho biết.

Đồng tình với quan điểm này, anh Thọ - Công ty CP Xây dựng sắt thép Hà Thành (đường Nguyễn Xiển) cũng cho rằng: Bán hàng cho công trình thường nợ lâu, không chắc chắn về thời gian thu hồi vốn dẫn đến đọng vốn. Đối với những khách hàng lớn, tôi luôn chủ động lựa chọn và nắm chắc thông tin về nguồn tài chính của đối tác để bán hàng.

“Từ đầu năm đến giờ cửa hàng của tôi lỗ khoảng 100 triệu đồng bởi không bán được mà vẫn phải chi phí thuê cửa hàng, lương nhân công… Nhưng tôi vẫn chấp nhận lỗ để chờ thời cơ, chờ đến lúc các cơ chế chính sách đối với thị trường bất động sản được nới lỏng” - bà chủ cửa hàng Yên Xồm chia sẻ.

Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam cho biết: đến thời điểm này chẳng có doanh nghiệp thép nào tuyên bố phá sản cả, mặc dù gần đây họ không bán hàng hoặc sản xuất. Theo ông, giải pháp cho những doanh nghiệp thép như thế này là phái bán nhà máy hoặc sáp nhập.

“Tương lai những tháng tới của ngành thép là trông chờ vào những chuyển biến của thi trường bất động sản, của tình hình kinh tế vĩ mô. Khi mà những ngành sản xuất như: xây dựng, công nghiệp, cơ khí, chế tạo… đi lên thì ngành thép mới có cơ hội tiêu thụ được” - ông Cường chia sẻ.
 
Theo pacificsteel