Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo về giá điện, than, xăng dầu

Nhiều vấn đề về thực hiện cơ chế giá thị trường đối với điện, xăng dầu, than đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ giải trình trong báo cáo vừa được gửi tới các ĐBQH.
 
Phú Điền- Bộ trưởng bộ tài chính báo cáo về giá điện, than, xăng dầu
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ vừa có báo cáo việc thực hiện Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 11/2011) gửi tới các ĐBQH. Theo đánh giá chung của Bộ trưởng, Bộ Tài chính đã tích cực, quyết liệt, phối hợp tốt với các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý giá, góp phần tích cực để kiểm soát lạm phát.
 
Giá xăng: tăng 6 lần, giảm 5 lần
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu có 11 lần điều chỉnh với 6 lần tăng và 5 lần giảm. Tính chung qua 11 lần điều chỉnh, giá xăng RON 92 tăng 2.850 đồng/lít; dầu Diêzen 0,05S tăng thêm 1.900 đồng/lít; dầu hoả tăng thêm 1.700 đồng/lít; dầu madút tăng thêm 1.950 đồng/kg.
Theo giải trình của Bộ trưởng Vương Đình Huệ, từ đầu năm đến cuối tháng 4/2012, giá xăng dầu thành phẩm thế giới tăng cao, Liên Bộ Tài chính – Công Thương đã cho phép điều chỉnh tăng giá xăng dầu 2 lần. Từ cuối tháng 4/2012, giá xăng, dầu thành phẩm thế giới giảm, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã thực hiện 5 lần liên tiếp giảm giá xăng dầu trong nước.
 
Sau khi Bộ Tài chính ban hành Công văn số 8412/BTC-QLG, theo đó giao cho doanh nghiệp quyền quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong nước từ ngày 21/6/2012, giá xăng đã tăng thêm 4 lần. Bộ trưởng Vương Đình Huệ chỉ cho biết như vậy và không đưa ra bình luận, hoặc nhận định gì về việc này. Trong khi đó, dư luận cho rằng, các doanh nghiệp đầu mối đã tận dụng quyền quyết định giá đó và dẫn tới hai hệ lụy. Một là, liên tục tăng giá xăng dầu trong tần suất cho phép, nghĩa là cách nhau không dưới 10 ngày. Hai là, giảm lượng xăng dầu cung cấp cho các đại lý, tạo ra tình trạng khan hiếm hàng hóa làm cơ sở thuyết minh cho yêu cầu tăng giá.
 
Từ đầu tháng 9 đến nay, giá xăng dầu tiếp tục dao động ở mức cao. Để giữ ổn định giá bán xăng, dầu trong nước, góp phần kiểm soát lạm phát, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, ngày 11/9/2012, Liên Bộ Tài chính ‑ Công Thương đã yêu cầu doanh nghiệp không tăng giá. Các công cụ để bình ổn giá được sử dụng (sử dụng Quỹ BOG với mức 500 đồng/lít,kg; giảm thuế suất thuế nhập khẩu 2%), đồng thời không tính lợi nhuận định mức của doanh nghiệp xăng dầu trong giá cơ sở.
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng, việc duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian qua là cần thiết để thực hiện giữ ổn định giá bán xăng dầu. Về cơ bản các doanh nghiệp đã chấp hành việc trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá theo quy định.
 
EVN tăng thêm 3.710 tỷ đồng doanh thu nhờ tăng giá điện
Từ 01/7/2012, trên cơ sở kiến nghị của Tập đoàn điện lực Việt Nam và biến động của các thông số đầu vào cơ bản, giá điện bình quân được Bộ Công Thương chấp thuận tăng thêm 5% (từ 1.304 đ/kwh lên 1.369 đ/kwh). Ông Huệ cho biết, với việc điều chỉnh giá điện tăng 5% này, doanh thu bán điện trong năm 2012 của EVN dự kiến tăng thêm 3.710 tỷ đồng.
 
Số tiền tăng thêm này, theo ông, được sử dụng để bù đắp cho tăng giá than và một phần các chi phí còn treo lại của năm 2010 trở về trước.
Để hạn chế tối đa tác động của tăng giá điện đến an sinh xã hội, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ riêng đối với các hộ sử dụng điện có thu nhập thấp và hộ nghèo. Đến nay, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ các hộ nghèo khoảng 930 tỷ đồng, năm 2012, thực tế đến hết Quý II đã bổ sung cho các địa phương 498 tỷ đồng.
 
Đang xây dựng lộ trình giá bán than cho điện
Bộ trưởng Huệ cho biết, thời gian qua, giá than cho các hộ tiêu dùng nhỏ lẻ được điều hành theo nguyên tắc Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: có tăng, có giảm và thấp hơn giá than xuất khẩu 10%. Đối với than bán cho 3 hộ lớn (sản xuất giấy, xi măng, phân bón), trong năm 2011 đã điều chỉnh tăng giá than thêm 15%, bằng khoảng 49,5-74,4% giá than xuất khẩu cùng chủng loại tại thời điểm tháng 7/2011. Năm 2012, giá bán cũng thực hiện: có tăng, có giảm và giá bán hiện nay bằng khoảng 74% – 92% giá than xuất khẩu cùng chủng loại (thời điểm tháng 8/2012). Đối với giá than bán cho điện, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan nghiên cứu để xây dựng lộ trình giá bán than cho sản xuất điện từ nay đến hết năm 2013.
 
Từ 15/9/2012, giá than bán cho điện tăng khoảng từ 27,9% đến 41,9% so với giá than bán cho điện hiện hành. Sau khi điều chỉnh, giá than bán cho điện bù đắp được từ 87% đến 90% giá thành sản xuất than năm 2011; bằng khoảng 71% đến 73% giá thành tiêu thụ năm 2011 tùy chủng loại và bằng 48% - 52% giá xuất khẩu than cùng chủng loại.
 
Theo Bộ trưởng Huệ, tương tự như giá điện, việc điều chỉnh giá than bán cho điện được thực hiện theo từng bước có lộ trình với nguyên tắc có kiềm chế, gắn với lộ trình điều chỉnh giá điện, có tính đến điều kiện kinh tế, xã hội tại thời điểm điều chỉnh, và phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, hạn chế tác động đến sản xuất và đời sống xã hội.
 
Theo TTVN