Sản xuất tháng 10 của Việt Nam tiếp tục giảm

Ngân hàng HSBC vừa công bố chỉ số PMI™ ngành sản xuất ngành Việt Nam trong tháng 10 giảm còn 48,7 điểm. Điểm nổi bật trong tháng 10 là sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm, chi phí đầu vào tăng mạnh, nhưng giá bán lại giảm.

Phú Điền- PMI Việt Nam tháng 10

Theo số liệu của HSBC, Chỉ số PMI™ ngành sản xuất Việt Nam được điều chỉnh theo mùa giảm từ 49,2 điểm trong tháng 9 xuống 48,7 điểm trong tháng 10.
 
Chỉ số PMI toàn phần vẫn ở mức dưới ngưỡng 50 điểm trong suốt 7 tháng. Mặc dù tốc độ giảm nhanh hơn so với tháng 9 nhưng vẫn chậm hơn so với tháng 7 (là tháng có mức giảm mạnh nhất trong suốt 19 tháng thu thập dữ liệu).
 
Các nhà sản xuất cho biết, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm khi nhu cầu yếu đi trong bối cảnh thị trường nội địa thu hẹp và các giao dịch thương mại toàn cầu giảm. Sản xuất giảm trong 7 tháng liên tục, mặc dù tốc độ giảm tổng thể chỉ là nhẹ.
 
Cả số lượng đơn đặt hàng mới và xuất khẩu mới đều giảm trong 6 tháng liên tục. Các công ty cho biết nhu cầu của khách hàng từ Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đã giảm.
 
Năng lực sản xuất dự phòng vẫn còn trong tháng 10 khi mà lượng công việc đang có (nhưng chưa thực hiện) tiếp tục giảm mạnh. Điều này không chỉ phản ánh mong muốn giải quyết hết công việc tồn đọng mà còn cho thấy số lượng việc làm tăng nhẹ. Tuy nhiên, công ăn việc làm nhìn chung được tạo thêm tại các công ty đang mở rộng sản xuất.
 
Sự suy giảm của lĩnh vực sản xuất tiếp tục ảnh hưởng mức độ mua hàng và hàng tồn kho trong tháng 10. Nhu cầu sản xuất giảm có nghĩa là lượng mua hàng hóa đầu vào bị cắt giảm mạnh với mức độ lớn hơn so với kỳ khảo sát trước đó. Tồn kho hàng mua nhờ đó đã giảm 12 tháng liên tiếp với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 7. Tồn kho hàng hóa thành phẩm nhìn chung không thay đổi trong 4 tháng liên tục.
 
Biên lợi nhuận hoạt động của các nhà sản xuất trong tháng 10 tiếp tục thu hẹp khi mà chi phí đầu vào tiếp tục tăng vào thời điểm năng lực định giá giảm sút.
 
Giá mua hàng trung bình đã tăng tháng thứ ba liên tiếp cho thấy chi phí cho thực phẩm, nhiên liệu và vận tải đã tăng cao hơn. Trong khi đó, giá cả đầu ra trung bình đã giảm 6 tháng liên tiếp. Tốc độ giảm giá đầu ra vẫn nhanh, nhưng đã chậm hơn đáng kể so với mức độ giảm mạnh trong tháng 6 và tháng 7 năm nay.
 
Thời gian giao hàng trung bình của nhà cung cấp không thay đổi trong tháng 10 sau thời kỳ 17 tháng có sự cải thiện về hiệu suất hoạt động. Hơn 85% số công ty cho biết không có thay đổi về thời gian giao hàng trong kỳ khảo sát gần đây nhất.
 
Ông Trinh Nguyen - Chuyên viên kinh tế Ngân hàng HSBC bình luận rằng: “Nhu cầu quốc tế và nội địa yếu kém tiếp tục ảnh hưởng lên khu vực sản xuất, số lượng các đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ khi bắt đầu thu thập dữ liệu. Mặc dù chi phí đầu vào tăng nhưng các nhà sản xuất không thể chuyển gánh nặng chi phí sang người tiêu dùng do nhu cầu yếu. Chỉ số sản lượng, mặc dù vẫn có dấu hiệu suy giảm, đang ổn định ở mức gần 50 cho thấy nền kinh tế có thể sẽ hồi phục vào cuối quý 4 năm 2012.”
 
Song Long (Theo HSBC)