Hưng Hà - Thái Bình đã xóa sạch được lò gạch thủ công

Trong tổng số gần 1.000 lò gạch thủ công ở Thái Bình, thì huyện Hưng Hà chiếm tới trên 500 lò, rải rác khắp 35 xã; xã ít nhất cũng chục lò. Riêng xã Đoan Hùng có tới 93 lò, phần nhiều là lò kép (một ống khói cho 2 lò nung).
Một lò kép loại trung bình mỗi lần nung được 14.000 viên gạch, mỗi năm quay vòng 8-9 lần nung, còn lò kép lớn mỗi lần nung tới 20.000 viên. Các lò gạch này không nằm ngoài đồng hay ngoài bãi sông mà bám 2 bên đường trục thôn, trục xã nhằm tận dụng lợi thế về giao thông để vận chuyển đất, than về lò và vận chuyển gạch thành phẩm đi bán.
Làng Đôn Nông, xã Đoan Hùng chẳng hạn có hàng chục lò gạch nằm sát khu dân cư, dọc hai bên đường. Hơn 500 lò gạch quanh năm tung khói bụi mịt mùng, trở thành tai họa khủng khiếp đối với cư dân trong vùng. Môi trường bị tàn phá dữ dội. Hàng chục mẫu đất lúa đã biến thành ao do bị đào lấy đất đóng gạch, hàng chục ha lúa mất trắng do bị khói lò gạch thiêu đốt.

Phá bỏ lò gạch thủ công ở Hưng Hà
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc xóa bỏ lò gạch thủ công và Chỉ thị số 05 ngày 28/5/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, đến ngày 1/8/2011 phải xóa bỏ triệt để các lò gạch thủ công trên địa bàn toàn tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Hưng Hà đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, tuyên truyền, vận động, thuyết phục các chủ lò tự tháo dỡ. Cuộc vận động đã nhận được sự đồng tình của một số chủ lò. Ông Hà Tiến Sự, một chủ lò ở thôn Tiên La, xã Đoan Hùng, tâm sự:
- Lò gạch này tôi xây dựng từ năm 2009, hết hơn 100 triệu đồng, mỗi đợt đốt nung được 60.000 viên, gạch làm ra đến đâu bán hết đến đấy. Nhưng khi huyện và xã yêu cầu ngừng đốt gạch, tháo dỡ lò, tôi chấp hành ngay, dù vẫn còn nợ ngân hàng hơn 50 triệu đồng; tháo dỡ lò thì hai vợ chồng tôi, hai đứa con gái và một thằng rể trở thành thất nghiệp.
Tuy nhiên, những người như ông Sự không phải là đa số, và “cuộc chiến” với những lò gạch thủ công trở nên rất gian nan, do động chạm đến quyền lợi của các chủ lò. Nhiều năm qua, những lò gạch thủ công này đã mang lại cho các chủ lò nguồn thu nhập rất lớn. Không ít người đã xây được nhà lầu, mua được xe hơi.
Để có được những lò gạch này, các chủ lò đã phải đầu tư số tiền lớn, như ông Nguyễn Văn Đạm ở xã Tân Tiến, đã đầu tư trên 300 triệu đồng để xây lò, đó là chưa kể số tiền hàng trăm triệu đồng bỏ ra để mua than, mua đất. Nay phải ngừng đốt, trên 100 tấn than và khoảng 10.000 m3 đất đang tồn đọng không biết giải quyết thế nào.
Nhiều chủ lò khác cũng đang còn hàng chục vạn gạch mộc và hàng chục tấn than, hàng ngàn khối đất. Thế nên nhiều chủ lò tuy chấp nhận ngừng đốt, nhưng: “Các bác muốn phá lò thì cứ đến mà phá, em làm gì có máy móc”, và hễ chính quyền lơ là một chút là họ lại nổi lửa, có người tái phạm tới hai, ba lần, chính quyền phải cưỡng chế mới ngừng đốt.
Nhiều người ký cam kết không đốt gạch nữa nhưng rồi vẫn cứ lén lút đốt khi “có thời cơ”. Có những người như ông Hà Trọng Tuyển, Nguyễn Văn Đán ở xã Đoan Hùng, đã chấp nhận không đốt lò thủ công nữa nhưng lại xoay ra đốt…lò cải tiến, chỉ khi chính quyền yêu cầu tắt cả lò cải tiến thì mới chịu ngừng hẳn.
Còn lò thì còn nguy cơ nổi lửa trở lại. Mà phá mỗi lò gạch thủ công, phải tốn kém từ 15-20 triệu đồng, xã không đào đâu ra nguồn kinh phí đó. Với những chủ lò đã được tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhiều lần nhưng vẫn cố tình vi phạm, huyện kiên quyết cưỡng chế. Có đợt, đã phải cưỡng chế tới 40 lò một lúc…
Xóa bỏ triệt để lò gạch thủ công trên địa bàn là một cố gắng lớn của huyện Hưng Hà, nhưng việc tổ chức đào tạo, chuyển đổi nghề cho người lao động vẫn sống nhờ các lò gạch thủ công này, còn là một cố gắng lớn hơn cần được ghi nhận.

Bằng tất cả sự nỗ lực, đến đầu quý II/2012, Hưng Hà đã xóa bỏ được toàn bộ trên 500 lò gạch thủ công. Kỷ cương pháp luật đã được thiết lập. Tuy nhiên, theo ông Bùi Xuân Phóng, Chánh văn phòng UBND huyện, thì để giải quyết triệt để vấn đề, UBND huyện đang tập trung chỉ đạo 2 việc.

Thứ nhất, yêu cầu phòng Tài nguyên- Môi trường huyện thống kê chính xác toàn bộ lượng gạch mộc, than, đất còn tồn đọng tại các lò gạch thủ công. Trên cơ sở đó, huyện sẽ chỉ đạo các nhà máy gạch tuynen trên địa bàn mua lại các vật tư trên với giá hợp lý, để đỡ thiệt thòi cho các chủ lò.
Và thứ hai, quan trọng hơn, là trước đây, khoảng 5.000-6.000 lao động của huyện vẫn có việc làm, thu nhập từ 2-3 triệu đồng/người/tháng từ các lò gạch thủ công. Nay lò ngừng hoạt động, họ trở thành thất nghiệp. Phải đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho họ.. UBND huyện đã có đề án đào tạo, chuyển đổi nghề cho số lao động này, một mặt đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ từ nguồn quỹ khuyến công của tỉnh, một mặt khôi phục, phát triển các làng nghề trong huyện để thu hút số lao động trên…
Theo Nông nghiệp Việt Nam