Lò gạch ở Hà Nội vẫn ngút khói

Ở bãi tân bồi thuộc các xã Liên Hồng, Hồng Hà, Liên Trung, huyện Đan Phượng và nhiều địa phương khác thuộc ngoại thành Hà Nội, hàng trăm lò gạch thủ công vẫn hằng ngày nhả khói, ảnh hưởng việc sản xuất, sức khỏe của người dân trong khu vực. 

Làng lò gạch 

Chiều 16/2, nhóm phóng viên có mặt ở bãi tân bồi thuộc địa phận giáp ranh xã Liên Hồng và xã Liên Hà. Mặc dù huyện Đan Phượng yêu cầu giải phóng các lò gạch thủ công chậm nhất ngày 31/12/2010 nhưng theo quan sát của chúng tôi, gần 10 lò gạch thủ công ở đây vẫn công khai hoạt động. Mùi khét lẹt, hăng hắc của khói than lò đốt gạch bay khắp nơi. 

Gần chục chiếc xe tải chở đầy gạch xếp hàng xuống phà để cung cấp cho thị trường. Hoa màu bị héo úa vì khói lò gạch. Phía giáp bờ sông, hàng chục lò gạch thủ công có mái che, lều lán được dựng lên chẳng khác gì cái làng nhỏ giữa sông Hồng. Nhiều phụ nữ lúi húi chuyển gạch từ lò ra, không đeo khẩu trang, bụi xỉ than mù mịt. 

  • Ảnh bên : Lò nung lạc hậu ngang nhiên tồn tại ở nhiều huyện của Hà Nội (Ảnh: CTV)

Thấy người lạ xuất hiện kèm theo máy ảnh, một người đàn ông tự xưng là bảo vệ đã có thái độ phản ứng khi chúng tôi chụp ảnh. 

Chị Lan, một người bốc gạch cho biết, công nhân phải chịu ảnh hưởng khói của 3 lò bên cạnh. Chị và nhiều người cảm thấy tức ngực. Chỉ vì miếng cơm của con và vì không có công việc khác nên chị mới phải đi bốc gạch thuê. Công mỗi ngày chỉ được vài chục nghìn đồng. Khói than độc, nhất là mùi đất ướt bốc lên. Có người còn bị ngã ra đường vì khói lò. 

Mặc dù cách bờ mấy trăm mét, nhưng những hôm gió bấc, người dân ở ven đê xã Liên Hà vẫn ngửi thấy mùi khét của khói lò gạch từ bãi sông bay vào.

Theo anh Nguyễn Mạnh Hà, Phó trưởng Công an xã Hồng Hà, hiện ở bãi tân bồi của xã có 80 lò gạch thủ công đang hoạt động. Xã đã lên kế hoạch cưỡng chế những lò gạch này vào cuối tháng 2/2011.

Bãi tân bồi được phù sa bồi đắp từ những năm 1990. Chính quyền địa phương đã chia đất cho bà con canh tác rau màu.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, có tình trạng cán bộ chính quyền xã, thôn tự đứng ra ký hợp đồng cho các chủ lò hoạt động, chẳng hạn như ở một số xã ven sông Hồng, huyện Mê Linh.

Năm 2009, Sở đã yêu cầu chính quyền các địa phương giải tỏa hơn 400 lò gạch. Nhưng sang năm 2010, lượng lò gạch thủ công ở huyện Mê Linh tăng trở lại, vì chính quyền sở tại không mạnh tay dẹp bỏ. 

Mỹ Hằng 

Tại xã Liên Trung cũng đang tồn tại 40 lò gạch thủ công, tất cả đều tự phát, chiếm 16-17 ha đất bãi. Khoảng hơn 10 năm nay, xuất hiện những lò gạch ở giữa bãi sông. Xã đã 2 lần cưỡng chế. Đến cuối năm 2009, các lò gạch lại tái hoạt động. 

Đất để đóng gạch được vận chuyển từ đất liền ra bãi. Việc sản xuất gạch đã ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng các loại rau màu như ngô, khoai, đỗ đậu, thanh hao, bạc hà, chuối trồng tại đây... Nếu giải tỏa các lò gạch này, đất ở đây cũng không canh tác được vì chủ lò lấp xỉ than phía dưới. Xã sẽ tổ chức tháo dỡ, giải tỏa các lò gạch trong thời gian tới. 

Bao giờ hết lò gạch gây ô nhiễm? 

Theo anh Nguyễn Đông Hiếu, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng, hiện ranh giới ở bãi tân bồi thuộc địa phận các xã giữa hai huyện Đan Phượng và Mê Linh chưa rõ ràng, nên phải chờ kết luận thì mới tiếp tục xử lý giải tỏa. Năm 2010, huyện đã giải tỏa được các lò gạch ở xã Phương Đình, Thọ An, Thọ Xuân... 

Theo Chủ tịch UBND xã Liên Trung, xã đã có kế hoạch giải tán những lò gạch này nhưng hiện đang vướng mắc là bãi tân bồi chưa phân rõ ranh giới giữa xã Liên Trung với hai xã Đại Mạch thuộc huyện Đông Anh và xã Tráng Kiệt, huyện Mê Linh. Người dân địa phương đang từng ngày mong các lò gạch gây ô nhiễm cần được tháo dỡ. 

Trường Văn - Nguyễn Hằng

Còn 900 lò thủ công

Hà Nội vừa kết thúc đợt kiểm tra hoạt động của hệ thống các lò sản xuất gạch ngói nung thủ công. Kết quả cho thấy chưa kể các lò hoạt động thời vụ, Hà Nội hiện còn khoảng 1.278 vỏ lò, trong đó hơn 900 lò vẫn đang nhả khói đêm ngày, tàn phá môi trường và tài nguyên. 

Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì cho biết đang tồn tại nhiều lò sản xuất thủ công tại các huyện phía bắc và nam thành phố, đặc biệt tại các địa phương có vùng đất bãi ven sông, đất đồi gò tận dụng làm nguyên liệu sản xuất gạch. 

  • Ảnh bên : Nhà máy gạch tuynel thiếu đất sản xuất (Ảnh: CTV)

Điển hình như tại huyện Sóc Sơn còn 293 lò, Phúc Thọ 147 lò, Chương Mỹ 163 lò, Mỹ Đức 144 lò, Thạch Thất 119 lò, Đan Phượng 100 lò, Phú Xuyên 70 lò, Ba Vì 51 lò, Ứng Hoà 50 lò, Sơn Tây 10 lò... Lò thủ công truyền thống (lò đơn) không có ống khói chiếm tới 20% tổng số các lò gạch thủ công đang là nguyên nhân gây ô nhiễm rất lớn. 

Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, hoạt động của hàng trăm lò gạch thủ công vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất nông nghiệp, cây trồng; gây mất an toàn lao động, có nơi xảy ra sập lò, khói lò gây tai nạn chết người, khói lò nung xả thẳng vào môi trường khi chưa được xử lý. 

Cá biệt tại huyện Phúc Thọ đến ngày 30/12/2010, UBND huyện vẫn ra văn bản số 878 Cho phép tiếp tục tận dụng đất dư thừa, cải tạo mặt bằng để sản xuất gạch trên địa bàn xã Long Xuyên và gia hạn đến ngày 31/12/2011! 

Đây là việc làm trái với Quyết định của Bộ Xây dựng và Chỉ thị của UBND thành phố. Mặc dù chủ trương của Bộ Xây dựng và thành phố đến năm 2010 xoá bỏ sản xuất gạch thủ công nhưng do buông lỏng quản lý, chạy theo lợi nhuận, nhiều địa phương khác, số lò nung thủ công không giảm mà lại còn tăng cao. 

Trước tình trạng nhức nhối trong hoạt động của hàng trăm lò gạch thủ công gây hậu quả xấu, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị UBND các huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường rà soát tổng hợp tình hình sản xuất gạch ngói nung thủ công; không ký hợp đồng mới, không gia hạn hợp đồng về sản xuất gạch ngói thủ công tại địa phương; không cho phép sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất gạch ngói; Chỉ đạo kiên quyết việc cưỡng chế giải toả lò thủ công. 

Sở Xây dựng đề nghị thành phố có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chuyển từ lò thủ công sang lò tuynel và sản xuất các loại gạch ngói không nung. 

Loại bỏ lò nung thủ công không đảm bảo an toàn và môi trường, phát triển lò gạch tuynel. Tuy nhiên, mâu thuẫn đặt ra khi nhiều nhà máy gạch tuynel đứng trước nguy cơ cạn kiệt đất nguyên liệu, từ lâu đã phải trưng biển thu mua đất. Nhiều dự án khác đề nghị đầu tư nhà máy gạch tuynel nhưng do Quy hoạch chung Thủ đô chưa được phê duyệt nên dậm chân tại chỗ... 

Nhu cầu về gạch ngói nung của Hà Nội đang tăng mạnh và đem lại những khoản thu lớn cho nhiều người. Liệu Hà Nội có đủ quyết tâm dẹp bỏ những bất hợp lý nêu trên? 

Minh Tuấn