Nên khuyến khích, đẩy mạnh sử dụng vật liệu xây không nung

 

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phải trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách đồng bộ nhằm tăng cường sử dụng VLXKN theo hướng các công trình sử dụng vốn nhà nước như trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học bắt buộc phải sử dụng VLXKN.

Phú Điền - Các công trình dân dụng sử dụng gạch đất sét nung

Hầu hết các công trình dân dụng sử dụng gạch nung để xây dựng nên sản phẩm VLXKN tiêu thụ khó. Ảnh: Huy Anh

Vật liệu xây không nung: Xu hướng tất yếu

Sở Xây dựng TP cho biết, việc sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung truyền thống là một xu hướng phát triển tất yếu. VLXKN có nhiều yếu tố vượt trội và khắc phục được các nhược điểm của gạch nung.

Theo ông Phan Đức Nhạn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM, VLXKN sản xuất bằng phương pháp tận dụng phế thải công nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm nhiên liệu. Bên cạnh đó, VLXKN còn nhiều ưu việt: nhiều mẫu mã, màu sắc, kích thước khác nhau, thích ứng tính đa dạng trong xây dựng, có tính chịu lực cao, tiết kiệm năng lượng, cách âm, chống cháy và bền chắc hơn vật liệu xây bằng đất sét nung. “Nếu một công trình cao tầng sử dụng gạch nhẹ thì có thể giảm tải trọng công trình (xi măng, sắt thép, kích thước móng...) so với sử dụng gạch nung. Điều này đồng nghĩa với việc tiết kiệm được nhiều chi phí xây dựng cho công trình”, ông Nhạn cho biết.

Ông Nhạn dẫn chứng: Block bê tông nhẹ, kích thước lớn 30x20x60cm với thể tích lớn dung trọng nhỏ 400-1.200 kg/m³, cường độ lớn từ 40-100kg/cm² có thể giảm nhẹ tải trọng tường xây trong công trình xây dựng từ 40%-50%, góp phần làm giảm giá thành xây dựng công trình, đặc biệt là các vùng đất yếu. Đây là sản phẩm rất thích hợp với các tòa nhà cao tầng, xây nhanh, mặt phẳng không cần trát. Các sản phẩm VLXKN nhẹ nên tốc độ thi công nhanh, giảm tiêu hao nhân công, đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình, giảm chi phí quản lý và mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư.

Nhằm khuyến khích và tăng cường sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng theo định hướng của Quyết định số 567/QĐ-TTg và Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Xây dựng TP đã dự thảo Chỉ thị khuyến khích và tăng cường sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng trên địa bàn Tp.HCM. Dự thảo quy định, các sở - ngành, UBND các quận - huyện, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng trên địa bàn TP thực hiện nghiêm việc khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trong các khu công nghiệp, sử dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường, để sản xuất các loại VLXKN như gạch bê tông khí chưng áp (AAC), gạch xi măng – cốt liệu, gạch bê tông bọt, tấm xây dựng 3D, tấm tường thạch cao; đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu cho từng loại công trình xây dựng….

Công trình cao tầng: Dùng ít nhất 30% VLXKN

Theo Sở Xây dựng TP, thời gian qua, chương trình phát triển VLXKN tại TP đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên đến nay tình hình triển khai Quyết định số 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 trong thực tế còn nhiều bất cập. Một lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, một trong những bất cập hiện nay là việc thu thuế tài nguyên đối với việc khai thác đất sét làm gạch nung. Mặc dù sắp tới, thuế tài nguyên đối với đất sét sản xuất gạch sẽ được điều chỉnh lên mức tối đa là 15% nhưng mức thuế này vẫn còn thấp, chưa hạn chế được việc khai thác tài nguyên quý giá này.

Hơn nữa, việc đánh thuế tài nguyên từ việc khai thác từ đất sét để sản xuất gạch thực tế cũng gặp nhiều khó khăn vì việc đất sét không chỉ dùng để làm gạch. “Thay vì đánh thuế tài nguyên từ khai thác đất sét để làm gạch nung thì có thể thu thuế bảo vệ môi trường đối với loại gạch nung đất sét tại các công trình xây dựng có sử dụng loại gạch này”, vị lãnh đạo này đề nghị.

Sở Xây dựng cho biết, nguyên nhân VLXKN hiện vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi là do người tiêu dùng đã quen dùng gạch nung; giá thành sản phẩm khá cao so với gạch đất sét nung; các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến chất lượng sản phẩm, thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình sử dụng VLXKN chậm ban hành; các nhà đầu tư, đơn vị sản xuất VLXKN chưa nắm rõ hết các chính sách ưu đãi trong đầu tư phát triển sản xuất VLXKN; sản lượng và chất lượng một số VLXKN chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường TP…

Theo Sở Xây dựng, bên cạnh việc có cơ chế khuyến khích và tiến tới bắt buộc sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng, cần phải bổ sung cơ chế chính sách để các DN xây dựng đào tạo tay nghề, bồi dưỡng kỹ thuật cho các công nhân trực tiếp sử dụng VLXKN. Và  điều quan trọng nữa là cần phải có biện pháp chế tài đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công trình thuộc đối tượng bắt buộc sử dụng gạch không nung vi phạm quy định.

Từ đó, dự thảo chỉ thị của Sở Xây dựng cũng quy định: Công trình sử dụng vốn nhà nước (trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học...) bắt buộc phải sử dụng VLXKN theo tỷ lệ trong tổng số vật liệu xây do Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng quy định. Các công trình nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên) không phân biệt nguồn vốn, phải sử dụng tối thiểu 30% VLXKN loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn 1.000kg/m³) trong tổng số vật liệu xây. Khuyến khích các công trình xây dựng sử dụng VLXKN có độ rỗng lớn hơn 30% và VLXKN loại nhẹ. Không sử dụng gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí) trong các công trình xây dựng. Hiện dự thảo này đang lấy ý kiến của các sở-ngành, UBND các quận-huyện và các đơn vị để trình UBND TP.

Hài hòa cùng thiên nhiên

Theo dự báo của các nhà khoa học, đến cuối thế kỷ 21 nhiệt độ trung bình năm của Việt Nam có thể tăng khoảng 2-3oC, mực nước biển có thể dâng cao từ 75cm-1m so với thời kỳ 1980-1999. Nếu nước biển dâng 1m, khoảng 40% diện tích ở ĐBSCL, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ chìm trong nước biển. Đặc biệt, khi nước biển dâng thêm 1m, vào mùa lũ sẽ có đến hơn 90% diện tích ĐBSCL bị ngập trong thời gian 6-8 tháng và đến năm 2030 sẽ có khoảng 4 triệu người tại đây lâm cảnh đói nghèo. Viễn cảnh này là cực kỳ nguy hiểm khi biết rằng trong hàng chục năm nay ĐBSCL cung cấp trên 50% sản lượng gạo trong nước, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% lượng trái cây, 40% lượng thủy sản đánh bắt và hơn 74% lượng thủy sản nuôi của cả nước. Còn khi nước biển cao thêm 1m thì trên 20% diện tích của Tp.HCM sẽ bị ngập; đến năm 2050 sẽ có khoảng 30%-70% hệ thống giao thông của Tp.HCM có nguy cơ ngập lụt, gần 70% diện tích đất nông nghiệp có nguy cơ nhiễm mặn...

Hiểm họa từ việc tàn phá môi trường và hiện tượng biến đổi khí hậu đã hiển hiện hàng ngày trên nhiều vùng ở nước ta, thời tiết và khí hậu thay đổi thất thường và khó lường. Hệ quả là cuộc sống và nền kinh tế của chúng ta rơi vào tình trạng ngột ngạt và mong manh, nhất là các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.

Khái niệm “phát triển bền vững” đã không còn xa lạ nữa, ai cũng biết, ai cũng hiểu cần làm thế nào để đạt được trạng thái đó. Tuy nhiên, có thể nói rằng do lòng tham không đáy mà con người đã đối xử tàn nhẫn với thiên nhiên. Nhiều con sông, con suối đã bị “bức tử”, biến thành những dòng nước đầy chết chóc. Những khu rừng liên tiếp nối gót nhau ra đi, để lại những quả đồi khô khốc, hoang tàn. Do sự cân bằng bị méo mó và đảo lộn nên thiên nhiên giận dữ; giống như con thú bị thương, tất yếu phải lồng lộn và phản kháng. Mưa, nắng, bão tố... đã không còn diễn ra như kinh nghiệm ngàn đời nữa mà chợt đến chợt đi, bỏ lại phía sau những hậu quả ngày càng nặng nề hơn.

Có lẽ lóa mắt trước những ham muốn vật chất đời thường mà con người đã quên mất đi sự cần thiết phải sống hài hòa với thiên nhiên, nếu muốn hạnh phúc. Không cần phải có học vấn cao mới nhận thức được quy luật sinh tồn trên.

Từ thế kỷ 19, một thủ lĩnh người da đỏ ở Mỹ đã thốt lên những lời thống thiết: “Linh hồn những người chết chúng tôi không bao giờ quên trái đất tuyệt vời này, vì trái đất là mẹ của người da đỏ. Chúng tôi là thành phần của đất và đất là thành phần của chúng tôi. Hoa thơm là em gái chúng tôi, con hươu, con ngựa, con đại bàng là anh em chúng tôi. Các đỉnh núi, các chất ngọt trong đồng ruộng, hơi ấm con ngựa nhỏ và con người, tất cả đều cùng một gia đình. Nước lung linh chảy trong các dòng suối và dòng sông không phải chỉ là nước mà còn là máu của tổ tiên chúng tôi... Không khí rất quý giá cho người da đỏ, vì mọi sự đều chia nhau một hơi thở. Súc vật, cây cối, con người, đều chung với nhau một hơi thở...”. Từ đó để thấy rằng con người đang tự đưa mình đến vực thẳm khi quay lưng với môi trường. Điều gì xảy ra với thiên nhiên thì sớm muộn gì cũng sẽ ứng vào con người. Thực tế đã cho thấy có nhiều nơi, ở nhiều đất nước, con người có được sự hạnh phúc khi biết sống cùng thiên nhiên và biết trân trọng những món quà mà tạo hóa ban tặng. Trong tâm thức những con người đó, phát triển kinh tế bằng mọi giá không đồng nghĩa với có được cuộc sống hạnh phúc.