Xóa lò gạch thủ công: Ở đâu quyết liệt ở đó có chuyển biến

Thực tế việc thực hiện xoá lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời gian qua cho thấy, sự quyết liệt của chính quyền là yếu tố quan trọng nhất.

Triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Nghệ An đã có nhiều văn bản định hướng và xác định mốc thời gian xóa bỏ lò gạch thủ công. Nhưng đến nay chỉ có rất ít địa phương tích cực vào cuộc, những hệ lụy từ lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn tiếp tục ám ảnh cuộc sống người dân.

 

Nghệ An hiện có hơn 300 lò gạch thủ công cần xoá bỏ

 

Điểm sáng “nói không” với lò gạch thủ công

Nam Đàn là huyện trọng điểm của Nghệ An sản xuất vật liệu xây dựng, với số lượng lò gạch thủ công lên tới con số 40 và cũng là địa phương có những động thái tích cực nhất trong việc xóa lò gạch thủ công. Thực hiện chủ trương của tỉnh, UBND huyện đã có Chỉ thị số 04/2010/CT-UBND về việc xóa bỏ lò gạch thủ công, thành lập Ban chỉ đạo xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn.

Cùng với việc rà soát thực trạng sản xuất gạch bằng công nghệ thủ công, huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, ký cam kết, đồng thời có biện pháp xử lý kiên quyết, kể cả cưỡng chế đối với những chủ lò gạch thiếu tinh thần hợp tác. Nhờ đó, bên cạnh một số cơ sở đã hết thời hạn hợp đồng thuê đất nghiêm túc thực hiện sự chỉ đạo xóa bỏ lò gạch thủ công, có nhiều cơ sở dù chưa hết thời hạn hợp đồng thuê đất vẫn tích cực hưởng ứng chủ trương này.

Để đáp ứng nhu cầu thị trường gạch trên địa bàn, đảm bảo sản lượng bù đắp sau khi xóa bỏ lò gạch thủ công, Nam Đàn còn tạo điều kiện thu hút đầu tư một số dự án sản xuất gạch tuynel và đi vào hoạt động có hiệu quả, như các Nhà máy gạch tuynel Nam Thái, Xuân Hòa, Rú Bùi…

Ông Lê Khánh Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn khẳng định: “Đến thời điểm này, tất cả 40 lò gạch thủ công trên địa bàn huyện Nam Đàn đã ngừng hoạt động”.  Cũng theo ông Hòa, tính trước việc xóa bỏ lò gạch thủ công sẽ ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của một lực lượng lao động nhất định, huyện đã tập trung các giải pháp chuyển đổi mục đích sử dụng, tạo điều kiện cho các chủ lò tiếp tục nhận khoán đất phát triển kinh tế trang trại hoặc xây dựng lò gạch theo công nghệ hiện đại. Nhờ đó, hầu hết các chủ lò và lao động từng làm việc trong các lò gạch thủ công trước đây đã nhanh chóng tìm được hướng đi cho mình, ổn định đời sống.

Đặc biệt, từ thành công của việc xóa bỏ lò gạch thủ công, huyện Nam Đàn nhanh chóng rút ra bài học, đã và đang mở ra hướng đi mới cho những dự án phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần cải thiện đáng kể môi trường nông thôn, tạo đà xây dựng nông thôn mới trên quê hương Bác.

Tại huyện Nghi Lộc, địa bàn “nóng” được xác định là xã Nghi Hoa, thời điểm cao nhất có tới 18 lò hoạt động. Nhận thức rõ tác động tiêu cực của các lò gạch thủ công, những bức xúc trong các kiến nghị của người dân, nên khi có chủ trương của tỉnh, của huyện, xã Nghi Lộc đã vào cuộc quyết liệt. Trước hết, với lò gạch hết thời hạn hợp đồng thuê đất, xã kiên quyết không tiếp tục ký hợp đồng cho thuê đất làm gạch thủ công, đồng thời định hướng quy hoạch và tiếp tục tạo điều kiện để các chủ lò gạch nhận lại các diện tích để phát triển chăn nuôi quy mô trang trại và nuôi thủy sản.

Ông Nguyễn Văn Hương, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Dù huyện đã giao chỉ tiêu thu ngân sách từ khai thác vật liệu xây dựng năm 2011 cho địa phương là 80 triệu đồng, nhưng xã vẫn kiên quyết giải quyết dứt điểm các lò gạch thủ công. Bởi chỉ nói riêng thời gian phải bỏ ra để giải quyết những vấn đề xã hội nảy sinh, những kiến nghị của dân từ các lò gạch thì xã đã thấy nên xóa bỏ rồi. Còn nhiều việc khác thật sự mang lại lợi ích cho địa phương và cho nhân dân mà xã đang cần thời gian để tập trung giải quyết. Đến thời điểm này, trên địa bàn xã chỉ còn 4 lò hoạt động, nhưng xã đã làm việc với 4 chủ lò gạch để tiến hành chấm dứt hoạt động vào cuối tháng 10/2011”.

Nhiều nơi khói, bụi vẫn tuôn

Bên cạnh số ít địa phương tích cực vào cuộc ở Nghệ An vẫn còn nhiều địa phương chưa quyết liệt, thậm chí thờ ơ, cho rằng chưa có văn bản nào mang tính chỉ đạo quyết liệt từ cấp tỉnh, cấp huyện mà mới chỉ là những văn bản mang tính định hướng, nhắc nhở. Đơn cử là huyện Tân Kỳ - địa bàn có số lò gạch ngói thủ công tương đối lớn với gần 180 lò đang hoạt động, trong đó trọng điểm là làng nghề ngói Cừa với 137 lò, tiếp đó là các xã Tân Long, Nghĩa Đồng, Kỳ Sơn.

Ông Nguyễn Văn Hạ, Trưởng phòng Công thương huyện Tân Kỳ khẳng định: “Mấy năm qua trên địa bàn huyện đã có khoảng 10 lò ngừng hoạt động. Nhưng ngừng là do làm ăn thua lỗ hoặc hết vốn chứ huyện chưa có ý kiến chỉ đạo, mà chỉ mới có công văn nhắc nhở các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hạn chế không cho xây dựng các lò gạch thủ công, và từ năm 2010 là không cho các chủ lò gạch ký hợp đồng khi hết hạn. Bên cạnh đó, huyện cũng kêu gọi các nhà đầu tư phát triển các lò gạch, ngói bằng công nghệ tuynel và gạch không nung”.

Do chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, chỉ mới dừng ở chỗ “nhắc nhở”, “kêu gọi” nên việc tiến tới xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công trên địa bàn huyện Tân Kỳ chưa có chuyển biến tích cực. Đơn cử như làng nghề ngói Cừa, mặc dù đã có định hướng chuyển đổi sản xuất theo mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất gạch ngói theo hướng chất lượng cao, nhưng đến nay mọi công việc cũng mới dừng lại ở việc phê duyệt dự án.

Cũng theo ông Hạ, lộ trình mà huyện đề ra là đến năm 2012 sẽ xóa bỏ hoàn toàn các lò gạch thủ công trên địa bàn, nếu trong thời gian tới Tân Kỳ không có thái độ rõ ràng và quyết liệt hơn thì khó có thể thực hiện được. Bởi sản phẩm ngói Cừa đang có một thị trường khá rộng lớn từ miền Bắc và cho cả miền Trung; đây lại là địa bàn miền núi không thuộc diện cần phải xóa nhanh.

Huyện Đô Lương cũng là một trong những địa phương được xếp vào diện thực hiện chủ trương xóa bỏ các lò gạch thủ công chậm. Nói là các xã tự ký hợp đồng cho thuê đất sản xuất gạch thủ công, nhưng huyện vẫn giao cho các xã thu ngân sách từ nguồn này; đồng thời huyện còn tiến hành quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng ở các khu vực hiện đang tập trung nhiều lò gạch thủ công ở các xã như Minh Sơn, Nhân Sơn. Việc làm này của huyện Đô Lương cũng chẳng khác nào tiếp tục thừa nhận, tiếp tục duy trì các lò gạch thủ công. Đó là lý do tại sao các lò gạch ở Minh Sơn, Nhân Sơn vẫn thi nhau nhả khói như chưa có quy định, thông báo, chỉ đạo nào từ các các cơ quan chức năng…

Ông Nguyễn Trọng Do, Trưởng phòng Quản lý hoạt động vật liệu xây dựng, Sở Xây dựng Nghệ An, cho biết: Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn tỉnh có khoảng hơn 300 lò gạch thủ công. Trọng điểm là các huyện: Tân Kỳ, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn... Thời gian qua, trừ một số ít địa phương tích cực, việc xóa bỏ lò gạch thủ công ở hầu hết các địa phương lâu nay mới chỉ dừng lại ở việc rà soát, thống kê số lò gạch thủ công trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Chính phủ, của tỉnh đến các xã và chủ lò để chủ động có phương án chuyển đổi.

Một chủ trương ích nước, lợi dân nhưng nếu không được các cấp chính quyền tích cực triển khai với quyết tâm cao cùng những giải pháp quyết liệt thì chủ trương đó sẽ không thể tạo ra sự đồng thuận - một yếu tố quyết định đưa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống./.

V.Thành - M.Hoa