Ảm đạm vì lò gạch thủ công

Phú Điền- Lò gạch thủ công
 
Việc chủ các lò gạch thủ công An Giang chậm chạp chuyển đổi công nghệ nung cộng với ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến mục tiêu đóng cửa tất cả các lò gạch thủ công vào năm tới 2013 ở tỉnh này có phần ảm đạm. Gần 15.000 lao động nông thôn có nguy cơ khó tìm việc mới, các chủ lò chỉ biết dùng trấu và than đá đốt lò sẽ phải giải nghệ.
 
Theo số liệu Sở KH&CN An Giang công bố mới đây, hai tháng nữa hết năm mà mới có 4% tổng số cơ sở gạch ngói đang hoạt động đăng ký đầu tư ứng dụng công nghệ lò nung mới (chủ yếu là lò nung gạch hoffman), mới đạt 1/5 số cơ sở buộc phải chuyển đổi công nghệ mới. Tỉnh hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/cơ sở, trong khi chi phí đầu tư xây dựng lò công nghệ mới tốn từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/lò. Các cơ sở sản xuất gạch ngói ở đây hầu hết không thể có vốn để chuyển đổi nếu không được hỗ trợ vay vốn không lãi tối đa 1 tỷ đồng/cơ sở.
 
Hà Nội là nơi có gần nghìn "điểm nóng" lò gạch thủ công, cũng từng ảm đạm "bùng nhùng" trong xử lý gần 2 năm qua. Hàng trăm mẫu lúa ở Phú Xuyên cháy xém vì khói lò gạch. Lò nằm san sát chen nhau ngoài bãi sông Hồng. Thời hạn hợp đồng giữa địa phương với các chủ thầu lò gạch có nơi còn kéo dài tới năm 2015(!). Lý thì vậy mà thực chất là cấp phép bừa bãi, xử lý qua loa (phạt cho tồn tại). Xã báo lên huyện thì vướng phải một mớ "quan hệ” chồng chéo… 
 
Kinh nghiệm của TP này là không quyết liệt, không đạt kết quả. Đến nay ở Mê Linh, toàn bộ lò gạch thủ công được xử lý triệt để. Xã Hoàng Kim của Mê Linh có hơn 600 ha đất bãi dọc bờ sông Hồng, lúc cao điểm có tới 112 lò hoạt động. Vào cuộc, UBND huyện sát sao chỉ đạo, xã kiên quyết xóa bỏ đúng tiến độ, an toàn, đã dôi ra một quỹ đất nông nghiệp lớn, hơn 100 ha. Toàn bộ số đất đó cuối năm ngoái đã được xã chia lại cho các hộ làm lò gạch trước đây để phát triển chăn nuôi, sản xuất rau an toàn. Hiện UBND các huyện, thị xã của Hà Nội khẩn trương rà soát các lò gạch thủ công còn lại, gửi kết quả về Sở Xây dựng trước 15.11, quyết xử lý dứt điểm năm nay.

Nhìn rộng cả nước, cách đây khoảng 10 năm, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các địa phương xóa bỏ các lò gạch thủ công. Bất chấp lệnh cấm, hàng trăm ngàn lò gạch cả nước đến nay vẫn ngang nhiên hủy hoại môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp, tụt hậu kinh tế địa phương…Kinh nghiệm từ Hà Nội, khó nhất là phải phá được những "lò gạch trì trệ” trong trách nhiệm, ý thức thực thi phép nước của cá nhân, tổ chức.

Theo Báo Đại Đoàn Kết