Huyện Sóc Sơn quyết tâm xóa lò gạch thủ công

Tháng 6/2010, trên địa bàn huyện Sóc Sơn có 524 lò gạch thủ công (chiếm tới 40% số lò gạch cần tháo dỡ của TP), trong đó, riêng xã Bắc Sơn có tới 263 lò.

Theo ông Nguyễn Trọng Đạt, Trưởng Phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn, các lò gạch thủ công đã tạo việc làm cho hơn 7.000 lao động địa phương, với thu nhập ổn định từ 150.000 - 300.000 đồng/ngày/người, việc giải quyết công ăn việc làm và chuyển đổi nghề cho số lao động này vô cùng khó khăn. Hơn nữa, có khá nhiều lò gạch nằm trong khu vực đất quốc phòng và lò gạch trong khuôn viên của gia đình người dân. Do vậy, việc giải tỏa cũng rất nan giải.

Tuy nhiên, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội về việc xóa bỏ các lò gạch thủ công, tháng 4/2011, UBND huyện Sóc Sơn đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, rà soát thực trạng và triển khai việc tháo dỡ lò gạch thủ công trên địa bàn theo từng đợt. Cụ thể, đợt 1 dỡ bỏ toàn bộ các lò có cự ly cách khu dân cư dưới 100m; đợt 2 dỡ các lò có cự ly cách khu dân cư từ 100 - 200m; đợt 3 dỡ toàn bộ các lò có cự ly cách khu dân cư trên 200m. Huyện Sóc Sơn đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân vào việc xóa bỏ lò gạch thủ công.
 
 
 
Các lò gạch thủ công tại huyện Sóc Sơn đã cơ bản bị tháo dỡ. Ảnh: Lê Nguyên

Ông Trần Viết Hữu, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, với quyết tâm cao của huyện và sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, sau hơn 1 năm triển khai, đến nay cơ bản trên địa bàn huyện Sóc Sơn không còn lò gạch thủ công hoạt động. Đến tháng 8/2012, toàn huyện đã tháo dỡ xong 455 lò, bằng 86,8%; 69 lò còn lại đã ngừng sản xuất và đang tháo dỡ vỏ lò. Nhiều chủ lò đã đầu tư hàng tỷ đồng, nhưng sau khi được vận động đã tự giác tháo dỡ. Điển hình, trường hợp của ông Trịnh Văn Phương (xã Trung Giã) và ông Nguyễn Văn Liên (xã Tân Minh). Các chủ lò này đã đầu tư gần chục tỷ đồng để xây dựng hơn 20 lò, với tổng công suất lên tới 3 - 4 triệu viên gạch/năm để tận dụng nguồn nguyên liệu từ việc nạo vét lòng hồ, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Nhưng các chủ lò vẫn tự giác tháo dỡ tất cả các vỏ lò, với tổng chi phí tháo dỡ lên tới 600 - 700 triệu đồng.

Song, để giúp người dân bớt khó khăn và có việc làm ổn định sau khi các lò gạch thủ công bị tháo dỡ, ông Hữu đề nghị UBND TP có chính sách hỗ trợ chi phí tháo dỡ lò gạch thủ công, chuyển đổi nghề cho người lao động và cho phép một số địa phương chuyển từ sản xuất gạch thủ công sang công nghệ mới, thân thiện với môi trường.
                                                                                                                                                                                                      
    Lê Nguyên