Kiến nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư, giá dự toán, gói thầu và HĐXD do biến động giá

Tổng hợp từ các Cục, Vụ chức năng Bộ Xây dựng, thời gian qua, các địa phương, các doanh nghiệp đều có chung kiến nghị Chính phủ cho phép được điều chỉnh tổng mức đầu tư do ảnh hưởng khách quan của công tác đền bù, giải phóng mặt bằng do chính sách, chế độ, giá cả đền bù thay đổi, kéo dài thời gian thực hiện dự án dẫn đến vượt tổng mức đầu tư của dự án. Điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án trong trường hợp chưa tính đúng, tính đủ chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư do tư vấn và chủ đầu tư không lường trước hết các điều kiện phức tạp về địa chất, . Điều chỉnh Tổng mức đầu tư của các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên trong trường hợp điều chỉnh dự toán, điều chỉnh gói thầu, điều chỉnh giá hợp đồng do giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng, tỷ giá hối đoái và chế độ tiền lương tối thiểu tăng, làm vượt tổng mức đầu tư của dự án. Điều chỉnh giá hợp đồng đối với các hợp đồng ký theo hình thức giá hợp đồng trọn gói và giá hợp đồng theo đơn giá cố định khi giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng, tỷ giá hối đoái biến động lớn như hiện nay và khi nhà nước thay đổi chế độ, chính sách về tiền lương; hoặc cho phép chuyển từ hình thức giá hợp đồng trọn gói, giá hợp đồng theo đơn giá cố định sang hình thức giá hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.

Kiến nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự toán

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng: nguyên nhân chính gây chậm tiến độ thực hiện dự án, vượt tổng mức đầu tư của dự án trong thời gian vừa qua là do hiện nay công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của đa số các dự án đều gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc. Nguyên nhân chủ yếu là do chính sách, chế độ, giá cả đền bù luôn thay đổi làm chậm tiến độ thực hiện dự án, tăng chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng dẫn đến vượt tổng mức đầu tư. Giá cả vật tư, nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng, tỷ giá ngoại tệ và chế độ, chính sách về tiền lương có sự biến động lớn trong quá trình thực hiện dự án đã làm vượt tổng mức đầu tư. Theo kết quả tính toán của Bộ Xây dựng thì mức biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng 6 tháng đầu năm 2011 vào khoảng 17,44% so với tháng 12/2010 và khoảng 20,5% so với cùng kỳ năm 2010 và mức tiền lương tối thiểu từ 01/01/2011 tăng khoảng 22-35% so với năm 2010 nên nguồn dự phòng phí đã tính trong tổng mức đầu tư của dự án theo quy định hiện hành không thể đủ để bù đắp được mức trượt giá này (mức dự phòng phí bình quân năm cho yếu tố trượt giá chỉ vào khoảng tối đa 10%). Trình độ tư vấn, chủ đầu tư yếu nên trong quá trình lập, thẩm định dự án tính chưa đúng, chưa đủ tổng mức đầu tư theo quy định.

Theo quy định hiện hành về quản lý dự án và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình thì các nguyên nhân dẫn đến vượt tổng mức đầu tư nêu trên không phải là các điều kiện được phép điều chỉnh tổng mức đầu tư. Vì vậy, việc thực hiện các dự án đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, kéo dài thời gian thực hiện dự án dẫn đến hậu quả lãng phí trong đầu tư xây dựng.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho chủ đầu tư và các nhà thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên, hạn chế lãng phí trong đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng đã chính thức đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp sau:

Về điều chỉnh tổng mức đầu tư:

Theo quy định của Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 và Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ thì tổng mức đầu tư không được điều chỉnh trong trường hợp giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng biến động; khi nhà nước thay đổi chế độ, chính sách về tiền lương tối thiểu; tăng chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, nhưng để hạn chế lãng phí trong đầu tư xây dựng đồng thời thực hiện nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:

Đối với những dự án đang triển khai thực hiện, nếu điều chỉnh giá dự toán, giá gói thầu, điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng và tiền lương tối thiểu từ ngày 01/01/2011 mà làm vượt tổng mức đầu tư thì cho phép chủ đầu tư thực hiện biện pháp giảm chi phí như điều chỉnh lại thiết kế, thay đổi chủng loại vật liệu, cắt giảm những hạng mục không cần thiết, thay đổi biện pháp thi công… (nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu chủ yếu của dự án và chất lượng công trình).

Sau khi chủ đầu tư đã áp dụng các giải pháp nhằm giảm chi phí đầu tư xây dựng công trình nêu trên mà vẫn dẫn đến vượt tổng mức đầu tư đã phê duyệt thì cho phép được điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án.

Về điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng:

Theo quy định của Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 07/5/2010 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng thì hợp đồng theo giá trọn gói không được điều chỉnh giá do biến động giá vật tư và thay đổi chế độ tiền lương tối thiểu; hợp đồng theo đơn giá cố định thì chỉ được điều chỉnh một số loại nguyên, nhiên, vật liệu do nhà nước thực hiện biện pháp bình ổn giá… Nhưng sự biến động lớn của giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng như những tháng đầu năm 2011 và điều chỉnh mức lương tối thiểu từ ngày 01/01/2011 đã làm cho giá của hầu hết các hợp đồng xây dựng đã ký kết và đang thực hiện theo hình thức giá hợp đồng trọn gói và giá hợp đồng theo đơn giá cố định bị vượt ngoài tầm kiểm soát của chủ đầu tư và nhà thầu. Đối với các hợp đồng này, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:

Cho phép chủ đầu tư và nhà thầu rà soát, thực hiện giải pháp cắt giảm chi phí như thay đổi chủng loại vật liệu, cải tiến biện pháp thi công đối với những khối lượng chưa thực hiện (nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu chủ yếu của dự án và chất lượng công trình).

Sau khi đã áp dụng các giải pháp nêu trên, nếu vẫn còn dẫn đến vượt giá hợp đồng đã ký kết do sự tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng và tiền lương tối thiểu từ ngày 01/01/2011, cho phép được điều chỉnh giá một số loại nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng chủ yếu (xăng, dầu, thép các loại, xi măng, cát, đá, gỗ…) có biến động giá lớn và điều chỉnh chi phí nhân công do điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 01/01/2011 (chỉ điều chỉnh đối với khối lượng xây lắp thực hiện từ 01/01/2011), hoặc có thể cho chuyển từ hình thức giá hợp đồng trọn gói, giá hợp đồng theo đơn giá cố định sang hình thức giá hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh. Việc chuyển đổi hình thức giá hợp đồng chỉ áp dụng đối với các hợp đồng đã ký kết mà chưa triển khai thực hiện.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận các kiến nghị nêu trên, giao Bộ Xây dựng hướng dẫn việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, giá dự toán, giá gói thầu và giá hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng và tiền lương tối thiểu từ ngày 01/01/2011.

Theo baoxaydung.com.vn