Quảng Ngãi: Làng gạch thủ công Nghĩa Mỹ ô nhiễm và mất an toàn vệ sinh lao động

 

Năm 2010 là hạn chót trong việc xóa sổ các lò gạch thủ công trên cả nước vì ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Mục tiêu trên đã được Chính phủ chỉ đạo từ 10 năm trước, nhưng đến thời điểm này hầu như vẫn chưa thực hiện rốt ráo vì nhiều vướng mắc. Tỉnh Quảng Ngãi đã gia hạn công tác này thêm 2 năm nữa. Hiện nay, các lò gạch thủ công trên toàn tỉnh vẫn nhả khói.
Các lò gạch thủ công hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
 
Nguy hiểm rình rập từ những lò gạch thủ công
Xã Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) có 3 thôn, thì riêng thôn Phú Mỹ đã  có tới 45 lò gạch. Cả thôn có khoảng 400 hộ dân thì có 35 hộ là chủ các cơ sở gạch, 10 hộ sở hữu 2 lò gạch hoạt động. Thôn Phú Mỹ giống như một "đại công trường" với mức độ ô nhiễm nặng. Ở đây mật độ lò nhiều tới mức hiện diện ngay giữa làng mạc, khu dân cư đông đúc. Bà Lê Thị Liễu (60 tuổi) - một phu gạch lâu năm ở Đội 4 thôn Phú Mỹ cho biết: "Ở đây ngoài nghề nông thì còn thêm nghề phu gạch này, vì làng có rất nhiều lò gạch mà. Mỗi ngày quần quật gần 10 tiếng, chúng tôi cũng kiếm thêm đồng tiền mua thêm sách vở cho con em và sắm sửa trong gia đình". Mỗi ngày những người phu gạch bắt đầu công việc từ lúc 5 giờ sáng cho đến 12 giờ trưa và kết thúc ngày làm việc lúc trời xẩm tối. Họ làm việc trong những chiếc lò nóng bức, ô nhiễm và đầy nguy hiểm. Làm việc trong thời gian dài và trong điều kiện như vậy nhưng thu nhập của những phu gạch chỉ được 50.000 đến 60.000 đồng/người/ngày. Công suất của lò gạch nhỏ là 6 vạn viên/mẻ, lò lớn 12 vạn viên/mẻ. Mỗi mẻ gạch phải nung thời gian 2 ngày 2 đêm, nhiên liệu để đốt nung gạch chủ yếu là than đá. Điều đáng lo ngại là người lao động phải làm việc vất vả trong môi trường độc hại, nhưng không được trang bị các thiết bị bảo hộ. Toàn bộ các lò gạch trên địa bàn xã đều xây dựng thủ công.
Trong quá trình hoạt động, khói bụi và các khí thải độc hại như CO2, CO3, NO2, SO2 xả thẳng vào môi trường, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Khi những lò gạch này hoạt động, nhiều gia đình đã đóng kín cửa, nhưng khói bụi vẫn lọt vào nhà, không khí nồng nặc, rất khó thở.

Biết sai nhưng vẫn làm
Người dân xã Nghĩa Mỹ vẫn biết là các lò gạch sẽ gây ảnh hưởng môi trường; năng suất lúa, hoa màu bị giảm, nhưng những lúc nông nhàn, người dân đi làm thuê cho các lò gạch cũng có thu nhập khá. Tính ra thu nhập hàng năm cũng tăng lên rất nhiều so với chỉ dựa vào làm nông nghiệp. Ông Nguyễn Minh Tân - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mỹ cho biết: Toàn xã có tất cả 50 lò gạch đang hoạt động, tạo công ăn việc làm cho gần 1000 lao động. Kể từ khi Nhà nước có quyết định cấm các lò gạch thủ công hoạt động, thì không chỉ người dân hoang mang, mà ngay cả chính quyền xã cũng băn khoăn trong việc tìm việc cho số lao động này. Cũng theo lời ông Tân, xã Nghĩa Mỹ vốn chỉ dựa vào 2 nguồn thu chủ yếu từ lò gạch và làm nông nghiệp. Ở xã không hề có làng nghề hay bất cứ hình thức sản xuất nào khác. Việc xóa sổ các lò gạch thủ công khiến người dân lâm vào đường cùng. Xã cũng đã vận động người dân phá bỏ lò gạch, nhưng nhiều hộ gia đình ở đây dựa vào lò gạch để nuôi sống gia đình nên việc dẹp bỏ là rất khó. 
Năm 2007 huyện Tư Nghĩa cũng đã có quy hoạch làng nghề sản xuất gạch tại xã Nghĩa Phương, tuy nhiên mặt bằng khu quy hoạch không đủ để tiếp nhận các cơ sở gạch của xã Nghĩa Mỹ. Trong khi đó việc tìm hướng đi mới cho người dân Nghĩa Mỹ cũng chẳng đơn giản gì. Ví như việc vận động người dân làm lò nung gạch kiểu đứng (gọi tắt là lò đứng).
Loại lò gạch này ít gây ô nhiễm môi trường và tốn ít nhân công lao động nhưng với giá thành xây dựng từ 600 - 700 triệu đồng/lò thì lại quá đắt đỏ so với việc xây dựng lò thủ công nên người làm gạch cũng chẳng mặn mà gì. Mặc dù thời hạn xóa sổ lò gạch thủ công chẳng còn bao xa, nhưng chính quyền xã Nghĩa Mỹ cũng đang gặp "thế bí" khi lâm vào tình trạng "bỏ thì không xong, vương thì không được" này.

 Xuân Hiếu (Bộ Tài Nguyên Môi Trường)