Các công nghệ sản xuất gạch đất sét nung ở Việt Nam hiện nay (P2)

 

1. Công nghệ sản xuất gạch đất sét nung bằng lò đứng nung liên tục.

Lò liên tục kiểu đứng có xuất xứ từ Trung Quốc, được du nhập vào Việt Nam từ năm 2001. Lò liên tục kiểu khởi động một lần, có thể vận hành liên tục trong suốt quá trình sản xuất. lò liên tục kiểu đứng có buồng đốt đặt theo chiều thẳng đứng, gạch di chuyển từ trên xuống dưới. Mức độ cơ giới hóa tương đối cao, giảm được lao động nặng nhọc, tiết kiệm nhiên liệu đến 45% so với lò thủ công truyền thống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Quy mô sản xuất và vốn đầu tư phù hợp với năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Từ năm 2002 đến nay, lò đứng nung liên tục thay thế cho các lò thủ công đã được cải thiện được chất lượng gạch, giảm ô nhiễm môi trường, giảm bớt một số khâu lao động nặng nhọc cho người lao động, năng suất và chất lượng sản phẩm được nâng lên. Công nghệ này cũng được cải tiến để phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên có khá nhiều tỉnh phát triển để thay thế cho gạch nung thủ công. Với công nghệ này, các tỉnh phía Nam đã sản xuât được gạch có độ rỗng tới 50%, mức tiêu hao nhiên liệu thấp hơn lò tuynel và môi trường được cải thiện nhiều. Tuy nhiên, nhìn về chiến lược lâu dài thì việc phát triển lò này vẫn chưa được phù hợp chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa của ngành VLXD, sản xuất theo hình thức này vẫn mang tính nhỏ lẻ, gây khó khăn cho công tác quản lý ở trung ương và địa phương. Đây có thể coi là giải pháp trước mắt, có thể áp dụng cho những địa phương thiếu đất, cho những huyện miền núi có điều kiện khó khăn về giao thông, cho việc thay thế các cụm lò thủ công lạc hậu (các cơ sở không có vốn để phát triển lò tuynel).

Phú Điền - Mô hình lò đứng liên tục

2. Công nghệ sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công truyền thống

Lò thủ công truyền thống được sử dụng phổ biến ở Việt Nam từ lâu đời. Đây là loại hình công nghệ sản xuất đơn giản, lạc hậu nhất. Hiện nay sản lượng gạch đất sét nung được sản xuất bằng lò đứng thủ công chiếm khoảng khoảng 35% - 40% tổng sản lượng gạch đất sét nung. Đặc điểm nổi bật của loại hình sản xuất thủ công là thiết bị máy móc, nhà xưởng rất đơn giản. Công tác gia công, tạo hình chủ yếu được thực hiện bằng các loại máy đùn lento loại EG2 hoặc EG5 không có chân không. Khá nhiều hộ tư nhân ở một số địa phương sản xuất gạch hoàn toàn thủ công. Các quy trình kỹ thuật trong sản xuất không được thực hiện, khuôn mẫu tạo hình sản phẩm không đảm bảo về kích thước, chưa phù hợp với độ co nguyên liệu, nên kích thước sản phẩm thường thiếu hụt, mẫu mã sản phẩm đơn điệu. Gạch mộc sau khi tạo hình được phơi trên cáng thủ công không có mái che, sau đó được nung trong lò gián đoạn. Nhìn chung, công nghệ sản xuất chủ yếu là thủ công, hao phí nguyên, nhiên liệu lớn, gây ô nhiễm môi trường, chất lượng gạch còn hạn chế, đặc biệt là về kích thước, hình dạng. Có thể liệt kê hàng loạt nhược điểm của công nghệ sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công như sau:

- Nung gián đoạn, không có hệ thống kiểm tra nhiệt độ, thợ đốt lò kiểm tra nhiệt độ bằng kinh nghiệm.

- Tổn thất nhiệt năng lớn, phát thải khí CO2 nhiều, gây ô nhiễm môi trường cao.

- Quá trình nung kéo dài, khả năng tận dụng nhiệt kém, nhiệt tích trong vỏ lò lớn.

- Chất lượng gạch thấp, không đồng đều, mẫu mã đơn điệu, phụ thuộc vào kinh nghiệm của người đốt lò, tỉ lệ gạch phế phẩm cao (trên 10%).

- Năng suất lao động thấp, điều kiện lao động nặng nhọc.

Phú Điền - Mô hình lò gạch thủ công

Để giảm ô nhiễm môi trường, hiện nay, một số địa phương đã cải tiến bộ phận ống khói của lò nung theo hướng: nâng cao ống khói để phát tán khí thải ra một vùng rộng hơn, giảm nồng độ ô nhiễm khu vực gần lò nung, dùng nước vôi để hấp thụ bớt khí CO2 và SO2 ở chân ống khói hoặc trộn thêm một lượng nhỏ đá vôi vào nhiên liệu để hấp thụ bớt khí SO2 ngay trong vùng nung (giải pháp này cũng được dùng cho lò tuynel). Tuy nhiên, việc đầu tư hệ thống xử lý thường không đầy đủ, không vận hành hệ thống đã đầu tư (đầu tư mang tính đối phó) nên không giảm thiểu được các khí độc. Toàn bộ quy trình công nghệ sản xuất cơ bản vẫn không có gì thay đổi. Điều kiện lao động của người lao động vẫn rất kém và chất lượng sản phẩm vẫn thấp, không ổn định và chi phí vẫn cao.