Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm

Ngày 22-11, tại Kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII, các đại biểu QH làm việc ở hội trường thảo luận dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) và dự án Luật Công đoàn (sửa đổi); thông qua Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia.

Thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), phần lớn các đại biểu phát biểu ý kiến bày tỏ sự nhất trí với Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH về Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ðối với một số vấn đề cụ thể, các đại biểu còn nhiều ý kiến góp ý khác nhau.

Nhiều đại biểu QH quan tâm về thời giờ làm việc và thời gian nghỉ ngơi. Theo quy định của Bộ luật Lao động hiện hành, thời gian làm thêm cao nhất của người lao động là không quá 200 giờ/năm, trong một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định, người sử dụng lao động được huy động người lao động làm thêm không quá 300 giờ/năm. Theo quy định của dự thảo, thời giờ làm thêm cao nhất trong một năm đối với tất cả các nhóm ngành nghề được tăng lên khoảng 360 giờ/năm. Về vấn đề này, các đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An), Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) và một số đại biểu khác cho rằng, quy định như dự thảo luật là hợp lý, góp phần tăng thu nhập cho người lao động, thu hút đầu tư. So với một số quốc gia khác, giờ làm thêm của người lao động Việt Nam còn thấp. Tuy nhiên, cần tăng tiền làm thêm và tăng thời gian nghỉ ngơi giữa ca làm thêm.

Chưa thống nhất với quan điểm này, các đại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên), Ðặng Ngọc Tùng (Ðồng Nai), Trần Thanh Hải (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu khác cho rằng, Ban soạn thảo cần xem xét lại việc tăng giờ làm thêm, nhất là đối với công nhân, qua đó thể hiện tinh thần bảo vệ quyền lợi của người lao động. Nếu người lao động làm thêm 360 giờ/năm thì trong một năm chỉ được nghỉ bảy ngày và như vậy sẽ còn rất ít thời gian để chăm sóc gia đình, bảo vệ sức khỏe và học tập. Bên cạnh đó, một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay là cần nghiên cứu lại mức lương thấp nhất cho sát với thực tế, bảo đảm cuộc sống cho công nhân, tránh thiệt thòi cho người lao động. Các đại biểu này đề nghị, giờ làm thêm cần giữ nguyên như luật hiện hành để bảo vệ sức khỏe cho người lao động, tránh được việc người sử dụng lao động liên tục huy động làm thêm giờ để không tuyển thêm lao động và giảm bớt chi phí cho người sử dụng lao động do tiền làm thêm giờ không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế.

Về thời gian nghỉ thai sản, dự thảo nâng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ làm việc trong điều kiện lao động bình thường từ bốn tháng lên năm tháng, các trường hợp theo quy định hiện nay đang nghỉ năm tháng lên sáu tháng, mức sáu tháng giữ nguyên. Về vấn đề này, nhiều đại biểu đề nghị nên quy định lao động nữ sau khi sinh sẽ được nghỉ sáu tháng để chăm sóc con, góp phần quan trọng bảo đảm sức khỏe người mẹ và các điều kiện chăm sóc trẻ em. Ðại biểu Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) cho rằng, việc sinh con và chăm sóc con là thiên chức của người phụ nữ, vì vậy, trong sáu tháng nghỉ thai sản cần được tính vào thời gian thi đua, khen thưởng. Có đại biểu đề nghị, lao động nữ trong điều kiện làm việc bình thường, khi sinh sẽ được nghỉ sáu tháng; trong điều kiện làm việc độc hại, nặng nhọc thì được nghỉ bảy tháng.

Các đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) và một số đại biểu khác nhất trí với dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định người lao động nữ đủ 55 tuổi, người lao động nam đủ 60 tuổi có quyền về hưu. Ðồng thời, giao Chính phủ quy định về tuổi về hưu đối với một số loại lao động đặc thù như làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại... hay lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, lao động làm công tác quản lý khi người lao động tự nguyện tiếp tục làm việc và được sự đồng ý của người sử dụng lao động (Ðiều 199). Về vấn đề này, có ý kiến đề nghị, nếu xét về nghĩa vụ lao động thì độ tuổi về hưu giữa nam và nữ nên như nhau, cùng 60 tuổi, đối với lao động nữ làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, có thể về hưu ở tuổi 50.

Nhiều đại biểu nhất trí với dự thảo luật quy định nghỉ Tết Âm lịch thêm một ngày, theo đó, người lao động sẽ được nghỉ Tết Âm lịch năm ngày, nâng tổng số ngày nghỉ lễ, Tết lên 10 ngày trong một năm thay vì chín ngày như quy định hiện hành.

Buổi chiều, các đại biểu nghe đại diện Ủy ban Thường vụ QH trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia.

Theo dự thảo Nghị quyết, Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia bảo đảm mục tiêu quản lý chặt chẽ tài nguyên đất đai theo quy hoạch, kế hoạch và pháp luật; bảo đảm sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả. Bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo đảm phát triển bền vững. Phát huy cao nhất tiềm năng, nguồn lực về đất đai đáp ứng yêu cầu CNH, HÐH, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Nghị quyết yêu cầu các ngành, địa phương khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải bảo đảm dựa trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia đã được QH quyết định; việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải thống nhất chặt chẽ từ tổng thể của cả nước đến các vùng, các địa phương. Nghị quyết đã đưa ra chỉ tiêu diện tích cụ thể cho từng loại đất, trong đó đến năm 2020, có hơn 26,7 triệu ha đất được dành cho nông nghiệp; diện tích đất dành cho phi nông nghiệp hơn 4,8 triệu ha.
QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia với 434 đại biểu tán thành, bằng 86,80% tổng số đại biểu QH.

Thảo luận dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), phần lớn đại biểu tán thành việc sớm ban hành luật này nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Ðảng về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị dự thảo luật xác định rõ hơn vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Các đại biểu Trương Văn Vở (Ðồng Nai), Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) đề nghị, luật cần đưa ra những quy định nhằm khẳng định địa vị pháp lý của công đoàn không chỉ là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động mà còn phải cùng cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ðại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) đề nghị, dự thảo luật quy định cụ thể nhằm thể hiện vai trò chăm lo, chăm sóc cho người lao động của công đoàn, trong đó cần xây dựng cơ chế để công đoàn tham gia đầy đủ trong việc hoạch định chính sách tiền lương, phúc lợi xã hội, đề bạt, khen thưởng... đối với người lao động.

Vai trò của tổ chức công đoàn trong việc tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật được nhiều đại biểu góp ý kiến. Ðại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) cho rằng, mặc dù đã có quy định cụ thể về việc đình công và vai trò của tổ chức công đoàn trong việc tổ chức và tham gia giải quyết các vụ đình công, nhưng thời gian qua nhiều cuộc đình công xảy ra, trong đó có nhiều cuộc đình công trái pháp luật. Do vậy, dự thảo luật cần đưa ra quy định cụ thể vai trò của công đoàn trong việc tham gia đầy đủ vào các bước tổ chức, giải quyết đình công, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, cũng như hướng dẫn người lao động không vi phạm pháp luật.

Một vấn đề mới quy định trong dự luật được nhiều đại biểu góp ý kiến là quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của lao động là người nước ngoài. Ðại biểu Thân Ðức Nam (Ðà Nẵng) cho rằng, hiện nay có hàng nghìn người nước ngoài đang lao động hợp pháp tại Việt Nam, do vậy việc xem xét kết nạp họ vào tổ chức công đoàn là việc làm cần thiết, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người nước ngoài lao động tại Việt Nam. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc quy định này vì liên quan đến nhiều quy định khác của pháp luật.

Phần lớn các đại biểu tán thành với việc không thành lập tổ chức đại diện của người lao động (có chức năng như tổ chức công đoàn) ở các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, cần có cơ chế để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn.

Lê Hoàng(BaoXayDung)