VLXD khốn đốn cuối năm

 

Thị trường BĐS trầm lắng kéo dài đã đẩy các doanh nghiệp (DN) vật liệu xây dựng (VLXD) “chìm nghỉm”. Số lượng hàng tồn kho cao, đầu ra bế tắc đang khiến nhiều DN ngành này rơi vào tình cảnh thua lỗ triền miên và buộc phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2012.

Đau đầu tìm cách khuyến mại


Có thể nói chưa khi nào thị trường VLXD lại rơi vào tình trạng ế ẩm như thời gian qua. Trừ các DN xi măng còn vài vệt sáng, các lĩnh vực khác như kính xây dựng, gạch lát, VLXD không nung… đều rơi vào tình cảnh ế ẩm, không có người mua. Tình cảnh này bi đát đến mức một loạt hiệp hội VLXD phải kiến nghị Chính phủ tìm cách giải cứu trước khi các DN ngành này “chết dây chuyền”.

Tuy nhiên, trải qua hơn 2 năm đình trệ, thị trường VLXD đang dần có những dấu hiệu linh hoạt. Nhiều DN đã “thức thời” tìm đủ mọi cách để đẩy hàng tồn, gia tăng sức sống trên thị trường. Điều này có thể thấy rõ qua 2 lần triển lãm Vietbuild mới đây tại TPHCM và Hà Nội.

Không chỉ tập trung vào các sản phẩm trung cấp, chất lượng cao nhằm gia tăng lượng khách hàng, các DN cả sản xuất và thương mại đều tung ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, đặc biệt là vật liệu nội thất giảm giá từ 10-50% tùy mặt hàng.

Tại Vietbuild Hà Nội vừa mới diễn ra, nhiều DN VLXD đã khuyến mại khách hàng bằng cách bốc thăm trúng thưởng bằng nhà, xe máy- những điều chưa từng có tiền lệ. Bên cạnh đó, một số DN tìm cách hợp tác với các DN BĐS theo hình thức “đôi bên cùng có lợi”. Đó là cho DN BĐS “ứng” VLXD trước, trả tiền sau hoặc đổi VLXD lấy căn hộ. Một DN cũng kiến nghị nộp thuế bằng xi măng và nhận được nhiều đồng tình của các chuyên gia kinh tế.

Gian nan tìm lối đi

Dù đã tìm nhiều cách để xoay xở, nhìn chung các DN VLXD vẫn lâm vào tình cảnh bế tắc. Lãi suất tín dụng tăng cao, vốn mỏng, thị trường BĐS trầm lắng đang khiến nhiều DN đau đầu tìm lối ra. “Từ đầu năm đến nay lượng tiêu thụ đã giảm đến 30-40%, công ty đã phải dừng một dây chuyền sản xuất trong vòng 2 tháng vì lượng tồn kho quá lớn, lên đến hàng chục triệu m2, hiện nay một dây chuyền sản xuất cũng đang phải tạm dừng. Với đà này, chắc chắn năm 2013 DN sẽ không trụ nổi” - một DN gạch ốp lát cho biết.

Không riêng DN này, tình hình chung của ngành gạch lát vô cùng bi đát, lượng tồn kho gạch ốp lát toàn ngành khoảng 60 triệu m2 quy tiêu chuẩn (tương đương sản lượng 2 tháng sản xuất theo công suất thiết kế).

Có khoảng 40 dây chuyền phải dừng sản xuất từ 1-2 tháng (tương ứng 30% năng lực sản xuất toàn ngành), cá biệt có nhà máy dừng 60% năng lực sản xuất. Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều DN sản xuất VLXD các ngành khác như kính xây dựng, thép, xi măng…
 
Thông qua các triển lãm Vietbuild, nhiều DN VLXD đã khuyến mại khách hàng bằng cách bốc thăm trúng thưởng.

 

Thậm chí, tình cảnh khó khăn này đã buộc 11 công ty VLXD phải giảm điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2012, trong đó có không ít DN lớn như CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD3 (giảm 40% lợi nhuận trước thuế), CTCP Đầu tư và Xây dựng số 18 (giảm 5,4% lợi nhuận trước thuế), CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (9 tháng lỗ 29,6 tỷ đồng), CTCP Đầu tư - Phát triển Sông Đà (giảm 28,3% lợi nhuận trước thuế), CTCP Viglacera Thăng Long (9 tháng lỗ 31,7 tỷ đồng)…

Bi đát nhất trong số các DN này là các DN thuộc Vinaconex. Mới đây nhất, CTCP Đầu tư Xây dựng Vinaconex (PVV) đã phải xin ý kiến cổ đông về việc giảm 95% kế hoạch lợi nhuận trước thuế, từ 40 tỷ đồng về 2 tỷ đồng, doanh thu PVV cũng được điều chỉnh giảm 39%, từ 950 tỷ đồng về 578 tỷ đồng và không chia cổ tức trong năm nay. 4 công ty con của Vinaconex là CTCP Xây dựng số 5 (VC5), CTCP Vinaconex 6 (VC6), CTCP Xây dựng số 7 (VC7), CTCP Xây dựng số 9 (VC9) cũng thông báo xin ý kiến cổ đông về việc giảm kế hoạch kinh doanh năm 2012.

Riêng với Viglacera, DN này đang “mắc kẹt” với 3 dây chuyền sản xuất kính với công suất 33 triệu m2, ước tồn kho đến 30-8-2012 là 15,7 triệu m2.

Theo ông Nguyễn Quang Cung, nguyên Vụ trưởng Vụ VLXD, sức ép của thị trường đang đẩy các DN VLXD vào thế khó. Trong thời gian tới, các DN vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng này vì còn ảnh hưởng của thị trường BĐS trong nước.

Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế-xã hội đang có nhiều chuyển biến tích cực, tiềm năng của thị trường BĐS còn lớn, chính vì vậy ngành VLXD sẽ có nhiều cơ hội để vượt thoát khủng hoảng.
 
Theo Đầu Tư Tài Chính