Công trình dùng gạch chất lượng kém: mềm như bột

40 căn nhà trong khu dân cư vượt lũ Kênh Đòn Dông, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) bị sập khi mới xây xong, dân chưa kịp vào ở bị phát hiện sử dụng gạch kém chất lượng.

Ga

Gạch chất lượng kém: mềm như bột


 Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Kiên Giang, ngày 29-8 Trung tâm Kiểm định và dịch vụ xây dựng, Sở Xây dựng tỉnh đã đi ghi nhận hiện trường và lấy mẫu kiểm định chất lượng công trình này.

Trong buổi sáng, đoàn đã khảo sát, chụp ảnh và khoan lấy mẫu bêtông tại ba căn nhà trong tuyến dân cư vượt lũ ở xã Tân An, huyện Tân Hiệp. Tại khu vực này, có hơn 10 căn nhà bị gió lốc thổi tốc mái tôn và sập tường gạch. Nhiều căn toàn bộ phần mái tôn, đòn tay bị gió thổi bay mất, không để lại dấu vết, trong khi tường gạch bị xô đổ và vỡ vụn. Những căn không bị sập hoặc tốc mái thì tường gạch bị bục loang lổ, có chỗ thủng nham nhở...

Mỗi căn nhà vượt lũ ở đây ngang 4m và dài 8m. Gọi là nhà nhưng chỉ có hai vách tường xây bằng gạch, không có vách trước và sau, nền đất và mái lợp tôn. Những chiếc đòn tay gỗ 4x6cm “cõng” lớp tôn kẽm mỏng dính chỉ được neo bằng móc sắt bấu trực tiếp vào gạch tường. Đáng chú ý là gạch xây tường chất lượng rất kém. Nhiều viên bị bục, nứt, chỉ cần dùng ngón tay gí nhẹ vào là nát ra như bột. Có viên bục ra và quánh lại như đất sình, có thể vo thành viên dễ dàng.

Một cán bộ trong đoàn kiểm tra cho rằng chỉ bằng cảm quan cũng có thể khẳng định gạch dùng xây tường kém chất lượng, không đủ quy cách về khả năng chịu lực. Riêng hệ đà, cột chịu lực bằng bêtông cốt thép nhiều chỗ không đủ vữa, đá trơ ra lởm chởm. Tuy nhiên, thay vì lấy mẫu bêtông, gạch tại những căn nhà đã sập để kiểm định chất lượng thì đoàn kiểm tra chỉ khoan lấy mẫu bêtông của những căn nhà không bị sập và lấy mẫu gạch từ đống gạch chưa xây. Một cán bộ trong đoàn giải thích vì những căn nhà đã sập kết cấu bị phá vỡ nên không lấy mẫu được.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, phó chủ tịch UBND xã Tân Hoà, huyện Tân Hiệp, cho biết trong tuyến nhà vượt lũ có 85 căn thuộc địa bàn xã Tân Hoà. Nhà đã xây xong cách đây hai tháng.Theo phân bổ của huyện, xã đã lập danh sách những hộ nghèo không nhà ở để báo cho Ban chỉ đạo xây dựng cụm tuyến dân cư huyện xét duyệt. “Huyện chỉ đạo thì chúng tôi làm, chứ với tình trạng nhà chất lượng quá tệ như thế này thì chắc chắn dân không chịu nhận và UBND xã cũng không dám bố trí dân vào đó ở”- ông Khanh nói.

Ông Phan Văn Năm - bí thư Huyện uỷ Tân Hiệp - cho biết sau khi xảy ra sự cố gió lốc thổi sập nhà ở tuyến dân cư vượt lũ, ông đã đi thị sát tình hình và hết sức bất ngờ trước chất lượng của một số căn nhà ở đây. “Tôi cũng đặt dấu hỏi về giá trị thật của những căn nhà này. Tôi đã chỉ đạo UBND huyện phải tìm cho ra nguyên nhân, giải pháp khắc phục, đảm bảo chất lượng công trình trước khi đưa dân vào ở” - ông Năm nói. Về dư luận cho rằng nhà sập là do chất lượng quá kém, ông Năm cho biết đang chỉ đạo kiểm tra, nếu có vi phạm trong quá trình xây dựng thì những người liên quan bất kể là ai cũng sẽ bị xử lý nghiêm.

Trong khi đó, sau khi xảy ra sự cố, Ban chỉ đạo xây dựng cụm tuyến dân cư huyện Tân Hiệp có tờ trình (do ông Lê Văn Nghĩa, trưởng ban đồng thời là chủ tịch UBND huyện, ký) gửi Ban chỉ đạo xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ tỉnh Kiên Giang xin chủ trương cho phép hỗ trợ nhà thầu tổng số tiền 216,5 triệu đồng để đơn vị thi công sửa chữa lại nhà. “Về quan điểm cá nhân tôi, anh xây nhà kém chất lượng để gió thổi sập lẽ ra tôi phải tính tội anh chứ làm gì có chuyện hỗ trợ” - ông Năm nói.

(TuoiTre)