Việt Nam – Nhật Bản hợp tác phát triển đô thị

“Hội thảo Việt – Nhật về phát triển đô thị” là chủ đề của Hội thảo do Bộ Xây dựng Việt Nam phối hợp với Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) và JICA tổ chức tại Hà Nội vào ngày 1/3/2012. Đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Việt Nam và ngài Nao – ia- xu- Xa – tô, Thứ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT), ngài Suzuki Hideo – Đại biện Lâm thời Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, ngài Monotori Tsuno – Trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam, đại diện Văn phòng chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã tới dự hội thảo.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự hợp tác hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam và Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực chuyên ngành xây dựng và phát triển đô thị. Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh: Nhật Bản là một trong những nước có nhiều kinh nghiệm trong quy hoạch đô thị, quản lý đất đai, quản lý và điều tiết tốt các hoạt động đầu tư phát triển đô thị, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; tái thiết, chỉnh trang phát triển mới đô thị cũng như phát triển mạng lưới giao thông công cộng hiện đại… Những kinh nghiệm trong quá trình phát triển đô thị của Nhật Bản sẽ góp phần vào quá trình phát triển bền vững đô thị Việt Nam, tăng cường quan hệ Việt – Nhật.

Đánh giá lại quá trình phát triển đô thị của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: Việt Nam là quốc gia có vị trí quan trọng ở Đông Nam Á và châu Á. Trong những năm qua, đặc biệt là sau 25 năm đổi mới, đô thị Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. Mạng lưới đô thị quốc gia đã và đang phát triển với hơn 760 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa khoảng trên 31%, khu vực đô thị hàng năm đóng góp khoảng 70 – 75%GDP của Việt Nam. Nhiều khu vực đô thị được xây dựng khang trang, đồng bộ, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Diện mạo đô thị đã có nhiều thay đổi. Đô thị đã khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức trong quá trình phát triển đô thị mà Việt Nam đang phải giải quyết như: Quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập, quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch chưa chặt chẽ, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội triển khai chậm, thiếu đồng bộ, môi trường đô thị còn nhiều bức xúc; hiệu quả đầu tư xây dựng còn thấp, ảnh hưởng đến phát triển bền vững và diện mạo đô thị; tình trạng úng ngập, tắc nghẽn giao thông thường xuyên xảy ra tại các đô thị lớn….
 
“Về định hướng phát triển, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng phát triển hài hòa, bền vững giữa các vùng, xây dựng đô thị và nông thôn mới, có cơ chế, chính sách phù hợp để các vùng trong cả nước cùng phát triển, phát huy lợi thế và tạo sự liên kết giữa các vùng. Việt Nam luôn chủ trương thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực và tác động lan tan tỏa đến các vùng khác, đồng thời tạo điều kiện phát triển nhanh hơn các khu vực còn nhiều khó khăn. Lựa chọn một số địa bàn có lợi thế vượt trội, nhất là ở ven biển để xây dựng một số khu kinh tế làm đầu tàu phát triển. Việc thực hiện các định hướng phát triển vùng đi liền với việc sử dụng đất có hiệu quả và tiết kiệm, gắn với các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng nhằm bảo đảm phát triển bền vững. Mục tiêu phát triển được đặt ra là từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường gồm một số TP lớn, nhiều TP vừa và nhỏ liên kết và phân bố hợp lý trên các vùng; chú trọng phát triển đô thị miền núi, phát triển mạnh các đô thị ven biển…. Để quản lý đầu tư phát triển đô thị càng ngày càng hiệu quả hơn, Bộ Xây dựng đã và đang tăng cường xây dựng các văn bản pháp luật đồng bộ, có chất lượng hơn để kiểm soát phát triển theo từng khu vực đô thị, có kế hoạch phát triển và bộ máy quản lý thích hợp…” – Bộ trưởng khẳng định.
 
Theo Thứ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) thì Nhật Bản cũng phải đối mặt với các vấn đề mà đô thị Việt Nam hiện đang gặp phải như dân số tập trung quá đông ở đô thị, giao thông công cộng, cơ sở hạ tầng không đáp ứng kịp, môi trường ô nhiễm… Nhưng Nhật Bản đã từng bước giải quyết và có nhiều kinh nghiệm trong phát triển đô thị, luôn sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam.
 
Ngài Suzuki Hideo – Đại biện Lâm thời Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nhấn mạnh: Bản thân đô thị là thực thể sống, ko ngừng vận động. Việc xây dựng 1 TP có đủ chức năng, quy hoạch một cách hệ thống để hỗ trợ phát triển kinh tế là quan trọng. Mỗi TP có vẻ đẹp riêng, mong là trong quá trình phát triển Tokyo hay Hà Nội vẫn giữ được vẻ đẹp của vùng đất lịch sử, bản sắc riêng của địa phương. Việt Nam sẽ sớm tạo dựng được những đô thị mở, mang tầm quốc tế, trở thành đô thị kết nối với đô thị Nhật Bản và trở thành đối tác cạnh tranh của nhau.
 
Tại Hội thảo, các nhà quản lý, các chuyên gia đến từ Nhật Bản đã chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm phát triển đô thị như kinh nghiệm phát triển đô thị mới hướng tới các giải pháp cho các vấn đề đô thị; Những nỗ lực hướng tới phát triển đô thị bền vững – giải pháp đồng bộ cho phát triển đô thị tại Nhật Bản; Kinh nghiệm phát triển đô thị của Yokohama – hướng tới đô thị thực tiễn tốt nhất toàn cầu; Phát triển nhanh chóng đường sắt đô thị trong vùng thủ đô; “Phong cách sinh thái” công nghệ nước thải áp dụng cho Việt Nam…
 
Vũ Đoàn Huyền