Các bước lập kế hoạch xây nhà

 

LẬP KẾ HOẠCH XÂY NHÀ

Phú Điền - Lập kế hoạch xây nhà

A. Xác định nhu cầu:

-Trước hết cần hiểu được các nhu cầu cơ bản của gia đình như diện tích xây dựng, số lượng phòng ốc, vị trí đặt mỗi phòng, các tiện ích thêm như gara, sân vườn, hồ bơi, không gian dự trữ…

-Chọn nhà phù hợp với nhu cầu gia đình: nhà cấp 4, nhà tầng hay biệt thự.

-Lưu ‎ ý về sự thay đổi trong tương lai rằng gia đình sẽ có thêm người như đám cưới, con dâu, con rể hay cháu nội, cháu ngoại… 

-Nên tham khảo ý kiến của tất cả thành viên trong gia đình trước khi ra quyết định cuối cùng.

B. Kế hoạch tài chính:

-Cần dự trù được chi phí để xây nhà nhằm tránh trường hợp không đủ tiền.

-Chi phí có 2 loại: chi phí xây dựng cơ bản ( xây thô, đổ trần và sơn nước) và chi phí trang trí nội thất ( thiết bị buồng tắm, máy lạnh, máy giặt, kệ bếp gỗ, rèm cửa, bàn ghế sofa, bếp ga…).

-Chi phí xây dựng cơ bản được tính dựa vào số m2 xây dựng. Kham khảo mức chi phí trên m2 của  cùng loại nhà gần thời điểm xây nhất. Nên trao đổi và khảo giá các công ty xây dựng.

-Chi phí trang trí nội thất có thể trang bị từ từ sau khi ngôi nhà hoàn thành. Mức trang bị tùy vào tiềm lực tài chính của bạn.

-Lập kế hoạch cẩn thận để không ảnh hưởng đến tình trạng chi tiêu hiện tại của gia đình. Nên dự trù chi phí phát sinh thêm từ 10-30% để kịp xoay sở những khi cần thiết.

-Nguồn tiền xây nhà có thể lấy từ số tiền tích lũy được của hai vợ chồng, sự hỗ trợ từ ba mẹ hai phía. 

-Hoặc có thể vay mượn thêm từ anh chị em ruột thịt, bạn bè thân thiết hay đồng nghiệp.

-Thậm chí, có thể vay từ ngân hàng để làm chi phí xây dựng.

C. Các bước chuẩn bị đầu tiên:

Đây là bước quan trọng trước khi gặp gỡ và thảo luận với kiến trúc sư, cầm xem xét và tìm hiểu:

-Vấn đề quyền sở hữu lô đất rõ ràng giữa các thế hệ, tránh tranh chấp về sau.

-Quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất.

-Các vấn đề quy hoạch của khu vực hay thành phố liên quan.

-Vấn đề nằm trong quy định về xây dựng của chính quyền như: khống chế về chiều cao, tầng sàn, diện tích xây dựng, lộ giới hẻm…

-Vấn đề quan hệ hàng xóm như: diện tích đất, vách chung, lối đi, cây xanh gần nhà hai bên, hệ thống cấp thoát nước…

-Tìm hiểu về các nhà cung cấp vật liệu xây dựng trên địa bàn, giá cả hợp l‎ý, chất lượng tốt, cung cấp đúng tiến độ công trình và điều kiện thanh toán linh hoạt.

D. Làm việc với kiến trúc sư:

-Mô tả chi tiết nhu cầu của gia đình.

-Trình bày các ‎ ý tưởng thẩm mỹ của cá nhân chủ nhà và gia đình.

-Không ngần ngại trao đổi các băn khoăn cũng như thắc mắc liên quan để được tư vấn kỹ càng.

-Bàn trực tiếp với kiến trúc sư các thắc mắc về phong thủy như: hướng nhà, hướng đất, các bố trí các phòng ốc… để thiết kế cho phù hợp.

-Cần lắng nghe lời khuyên của kiến trúc sư về độ an toàn và mỹ thuật.

-Thiết kế nhà phải thỏa mãn các yêu cầu về nhu cầu sinh hoạt và thẩm mỹ của của các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó phải tối ưu hóa diện tích sử dụng, thiết kế phải thông thoáng, cây xanh và ánh sáng đầy đủ, hài hòa kiến trúc xung quanh.

E. Một số bảng vẽ chủ yếu:

Hồ sơ bản vẽ đầy đủ giúp cho việc thi công hoàn thiện công trình dễ dàng và nhanh hơn. Các bảng vẽ đồng thời được đính kèm cùng hợp đồng để tránh tình trạng sai lệch về sau:

-Phần phối cảnh minh họa: bao gồm phối cảnh công trình chính diện, phối cảnh các góc, phối cảnh nội thất, các phòng, tiểu cảnh, ngoại thất… Phần phối cảnh giúp bạn dễ hình dung ngôi nhà thực tế sau khi xây dựng.

-Phần bản vẽ kỹ thuật gồm hồ sơ xin phép xây dựng, hồ sơ thiết kế sơ bộ và hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công.

-Hồ sơ xin phép xây dựng: bản vẽ các mặt cắt, mặt đứng, các tầng, móng và sơ đồ bản vẽ điện nước.

-Hồ sơ thiết kế sơ bộ: các mặt bằng triển khai chi tiết, mặt đứng, mặt cắt và các bản vẽ phối cảnh.

-Hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công: là bộ hồ sơ đầy đủ nhất để căn cứ thi công bao gồm hồ sơ tính toán kết cấu, hồ sơ thiết kế điện, hồ sơ thiết kế cấp thoát nước, hồ sơ chống sét, báo cháy…

F. Lập hồ sơ xin phép xây dựng:

-Liên hệ Phòng Quản lý Đô thị hoặc Ủy ban Nhân dân phường để được hướng dẫn chi tiết.

-Về cơ bản hồ sơ xin phép xây dựng bao gồm: bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (có công chứng) và bản vẽ thiết kế.

-Bản vẽ thiết kế thể hiện được vị trí mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng điển hình; mặt bằng móng của công trình; sơ đồ vị trí hoặc tuyến công trình; sơ đồ hệ thống và điểm đấu nối kỹ thuật cấp điện, cấp nước, thoát nước (với công trình cải tạo, sửa chữa phải có ảnh chụp hiện trạng).

G. Lựa chọn nhà thầu xây dựng:

-Có thể lựa chọn nhà thầu thông qua những người đã có kinh nghiệm xây nhà rồi như người thân, bạn bè, đồng nghiệp hoặc các kiến trúc sư có kinh nghiệm.

-Có thể đi tham quan thực tế một số công trình nhà thầu đã thực hiện.

-Quan sát và hỏi chủ nhà các thông tin cần thiết.

-Lựa chọn nhà thầu lành nghề, thi công có uy tín.

-Giá cả phải chăng và đảm bảo tiến độ công trình.

H. Ký kết hợp đồng và chuẩn bị xây dựng:

-Chuyển hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công cho nhà thầu.

-Nhà thầu lập bảng dự toán chi phí nhân công và khối lượng.

-So sánh bảng chi phí của nhà tư vấn thiết kế và nhà thầu để biết rõ chi phí từng mục có hợp l‎ý.

-Tùy vào điều kiện thời gian, có thể ký hợp đồng thi công theo một trong ba phương thức sau: 

+ Chìa khóa trao tay: giao toàn bộ trách nhiệm về vật tư và nhân công cho nhà thầu.

+ Chủ nhà lo một phần vật tư như sơn, thiết bị bếp, điện, nước, gỗ và nhà thầu thi công và lo một phần vật tư của phần thô.

+ Chủ nhà lo vật tư và nhà thầu chỉ thực hiện thi công: chủ nhà sẽ tự liên hệ đặt mua gạch, xi măng, sắt thép, đá, sạn…  và nhà thầu chỉ tính công thi công.

-Cần yêu cầu nhà thầu lập bảng tiến độ công trình chi tiết và yêu cầu vật tư theo từng thời điểm để đôn đốc cho kịp tiến độ.

-Cần xem xét kỹ điều kiện thanh toán theo thời gian hay theo khối lượng công trình, đồng thời cần làm rõ các cách tính chi phí phát sinh phòng khi có sự thay đổi.

-Các công trình thông thường kéo dài từ 4-6 tháng, biệt thự lớn có thể kéo dài cả năm.