Tranh chấp đất mua bằng giấy tay

Hỏi: Gia đình tôi năm 1997 có mua một mảnh đất của người hàng xóm, lập giấy mua bán viết tay, có chữ ký của vợ chồng ông ấy và chứng nhận của ấp nhưng chưa có sổ đỏ. Sau đó, gia đình tôi đã làm nhà và ở trên mảnh đất đã mua tới nay, và đã đóng thuế theo pháp luật. Hiện nay, do ngôi nhà xuống cấp, gia đình tôi đã tháo dỡ để nâng cấp. Nhưng khi thi công thì người bán đất cản trở, gây khó khăn không cho gia đình tôi làm, và nói là hồi trước chỉ mua bán bằng giấy tay không có hiệu lực nên bây giờ đòi lại mảnh đất đã bán. Vậy, tôi muốn hỏi gia đình tôi cần làm gì để giải quyết vấn đề này và tiếp tục xây dựng nhà. Nếu ra toà án thì gia đình tôi có khả năng thắng kiện không? (Anh Huỳnh Gia Minh ở Phú Xuân - Nhà Bè)

Trả lời: Trước hết bạn cần phải hoàn tất thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện, nơi có đất nếu mảnh đất này chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) hoặc đã có GCN nhưng vẫn còn mang tên người chủ trước đây. Trong quá trình thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận cho bạn, nếu không có tranh chấp xảy ra thì bạn được xem xét cấp GCN QSDĐ theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp người chủ trước đây có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp, thì việc cấp GCN sẽ tạm hoãn cho đến khi tranh chấp được giải quyết xong.

Khi có tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, thì tại điểm b.3 tiểu mục 2.3 của nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10.8.2004 của hội đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao có quy định nếu hợp đồng chuyển nhượng được xác lập từ sau ngày 15.10.1993 không có công chứng hoặc chứng thực và đất chuyển nhượng chưa có GCN QSDĐ, mà sau khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng đã làm nhà kiên cố, trồng cây lâu năm… bên chuyển nhượng không phản đối và cũng không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về đất đai thì toà án công nhận hợp đồng. Nếu bên nhận chuyển nhượng chỉ làm nhà trên một phần đất thì toà án công nhận phần hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ phần đất có nhà ở và huỷ phần hợp đồng đối với diện tích còn lại, buộc bên nhận chuyển nhượng giao trả phần đất đó cho bên chuyển nhượng, trừ trường hợp việc giao trả không bảo đảm mục đích sử dụng cho cả hai bên giao kết hợp đồng, đồng thời buộc các bên thanh toán cho nhau phần chênh lệch.

Trong trường hợp đất đã có GCN QSDĐ hoặc các giấy tờ về QSDĐ theo khoản 1, 2 và khoản 5 luật Đất đai và hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ không đảm bảo về hình thức mà có phát sinh tranh chấp thì theo điểm b.1 tiểu mục 2.3 mục 2 nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP nếu từ ngày 1.7.2004 mới có yêu cầu toà án giải quyết, thì không coi là hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều kiện này. Như vậy, trong trường hợp này, nếu những điều kiện khác để hợp đồng có hiệu lực vẫn được đảm bảo như chủ thể của hợp đồng có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, giao kết hợp đồng hoàn toàn tự nguyện và mục đích, nội dung của hợp đồng không trái với pháp luật và đạo đức xã hội thì hợp đồng này không bị xem là vô hiệu, các bên được hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ của mình tương ứng quy định trong hợp đồng. Sau khi có kết quả giải quyết tranh chấp của TAND có thẩm quyền, UBND cấp huyện nơi có đất sẽ căn cứ trên bản án, quyết định của toà án để cấp GCN QSDĐ.

Khi hoàn tất các thủ tục và được cấp GCN QSDĐ, bạn phải làm thủ tục yêu cầu cấp giấy phép xây dựng tại UBND xã Phú Xuân để tiến hành xây dựng nhà một cách hợp pháp.

LS Nguyễn Văn Hậu

(Theo báo SGTT)