Đầu tư nhà ở cho công nhân: Vì sao không ai mặn mà?

Trong khi các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đảm bảo tiến độ và cơ bản đáp ứng nhu cầu, ngược lại, đến nay toàn thành phố vẫn chưa có dự án nhà ở nào dành cho công nhân. Vì sao các nhà đầu tư không mấy mặn mà với dự án này?

Một dự án, ba lần thay chủ
Phú Điền- Công trình nhà ở Đà Nẵng 1
                            Tính đến nay, dự án nhà ở cho công nhân đã đổi tên thành công trình ký túc xá tập trung
phía Tây thành phố và đã thay chủ đến ba lần.
 
Từ tháng 7-2003, UBND thành phố Đà Nẵnggiao cho Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng (PT&KTHT) KCN Đà Nẵng xây dựng 3 khu nhà chung cư 5 tầng dành cho người thu nhập thấp và công nhân, với gần 600 căn hộ, tại quận Liên Chiểu. Dự án này được phê duyệt từ 2002 bằng nguồn ngân sách, với tổng kinh phí ban đầu trên 27 tỷ đồng.
 
Công trình triển khai phần cột móng, sàn ở hai đơn nguyên thì đến tháng 9-2005 đột ngột dừng lại. Sau khi bỏ hoang gần 7 năm, phơi sương tiền tỷ từ ngân sách, ngày 25-3-2010, dự án này chính thức được bàn giao lại cho Công ty cổ phần Đầu tư Hưng Phú (trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh).
 
Ngày khởi công dự án, Công ty Hưng Phú cam kết trong năm 2010 sẽ hoàn tất 3 khu chung cư cao tầng với 183 căn hộ. Giai đoạn hai sẽ xây dựng 5.000 chỗ ở cho công nhân (mỗi căn hộ từ 38-84m2 với đầy đủ công trình vệ sinh, phòng bếp, phòng khách, phòng ngủ... có hệ thống dịch vụ khép kín đầy đủ tiện nghi đáp ứng cuộc sống cho công nhân như: hệ thống nhà trẻ, siêu thị mini, nhà giữ xe, khu vui chơi giải trí…).
 
Công ty này cam kết dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2011. Thế nhưng sau khi xây dựng xong phần thô của một tòa nhà 5 tầng, công trình này lại tiếp tục bị ngừng lại và bỏ hoang gần một năm nay.
 
Theo Ban quản lý Dự án xây dựng thành phố Đà Nẵng, ngày 18-4-2012, sau khi thành phố có chủ trương mua lại dự án nhà ở công nhân tại KCN Hòa Khánh do Công ty TNHH Hưng Phú làm chủ đầu tư, phía Ban quản lý đã tiếp nhận và bàn giao mặt bằng của 3 tòa nhà đang xây dựng dở dang cho liên danh Công ty cổ phần Đức Mạnh (DMC) và Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng 579 (Công ty 579) thực hiện thi công.
 
“Khó khăn nhất đối với việc triển khai dự án này là do công tác giải phóng mặt bằng quá chậm mà nguyên nhân là do dự án thay đổi chủ và bỏ hoang nhiều năm nên khu vực này đã mọc lên nhiều căn nhà trái phép”, một cán bộ của Ban quản lý điều hành dự án nói.
 
Ông Nguyễn Hữu Dương, Chỉ huy trưởng công trình của Công ty 579, cho biết sau khi nhận mặt bằng, công ty đã huy động hàng trăm công nhân triển khai xây dựng dự án cho kịp tiến độ. Ông Dương cho biết thêm, hiện dự án nhà công nhân đã được đổi tên thành công trình ký túc xá tập trung phía Tây thành phố.
 
Dự án này sẽ xây dựng 14 tòa nhà, trong đó có 12 tòa nhà cao tầng gồm 1.272 phòng ở cho học sinh, sinh viên… và 2 tòa nhà còn lại sẽ làm khu sinh hoạt, thư viện, nhà ăn, nhà xe...
 

Ông Đàm Quang Tuấn cho biết, đơn vị tiếp nhận dự án từ tháng 8-2012 và hiện nay đang tiến hành gấp rút thực hiện theo thiết kế của thành phố. Dự kiến sau hai năm sẽ hoàn thành và cho học sinh, sinh viên thuê. Kinh phí dự kiến khoảng 300-400 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước từ trái phiếu Chính phủ.

Tất cả đối tượng là học sinh, sinh viên có nhu cầu về nhà ở tại khu KTX tập trung đều có thể đăng ký thuê. Mức giá thuê sẽ theo quy định của UBND thành phố.

 
Vì sao doanh nghiệp không mặn mà?
 
Theo ông Phan Văn Kiên, Trưởng phòng Quản lý Xây dựng (Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng), khi đầu tư, cho dù là công trình gì đi nữa, nhà đầu tư chỉ quan tâm đến mục tiêu lợi nhuận, trong khi các dự án nhà ở cho công nhân hay sinh viên thì sẽ rất lâu mới thu hồi được vốn, lợi nhuận thấp. Đây là lý do, theo ông Kiên, nhà đầu tư ít quan tâm đến các dự án như thế này.
 
Phú Điền- Công trình nhà ở 2
             Các dự án, chương trình nhà ở cho công nhân hay sinh viên sẽ rất lâu
mới thu hồi được vốn, lợi nhuận thấp nên nhà đầu tư ít quan tâm.
 
Đây cũng chính là quan điểm được ông Đàm Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT liên danh Công ty DMC và Công ty 579, đơn vị đang triển khai thi công dự án nhà ở cho sinh viên nói trên, đồng tình.
 
“Không chỉ lợi nhuận thấp mà khi đầu tư vào công trình nhà ở cho sinh viên, công nhân thì nhà đầu tư thường gặp rủi ro cao, lỗ lớn nên doanh nghiệp ít mặn mà. Hơn nữa, khi xác định đầu tư vào các dự án này, bên cạnh một phần trách nhiệm với xã hội thì cần phải có sự tâm huyết”, ông Tuấn nói.
 
Điểm lại một số dự án chương trình nhà ở công nhân “suýt” được triển khai, ông Phan Văn Kiên cho biết, tiên phong chương trình này là Công ty Mabuchi Motor (vốn đầu tư nước ngoài của Nhật Bản) tại KCN Hòa Khánh. Công ty này đã được UBND thành phố giao đất, nhưng khi đưa ra trưng cầu ý kiến  công nhân với mức giá cho thuê sau khi đầu tư là 500.000đồng/tháng/người thì không được đồng ý nên chủ doanh nghiệp đã trả lại đất. Hiện nay, Công ty Mabuchi Motor hỗ trợ mỗi tháng 200.000 đồng tiền thuê nhà cho công nhân.
 
Năm 2009, thành phố đã giao đất cho Công ty Hưng Phú triển khai thi công 3 khối nhà 5 tầng, nhưng thi công được vài tầng rồi dừng lại do công ty thiếu năng lực về tài chính. Sau đó thành phố đã thu hồi và giao cho Ban quản lý dự án thuộc Sở Xây dựng làm chủ đầu tư, nhưng phải chuyển thành dự án ký túc xá sinh viên tập trung thì mới có được vốn ngân sách Nhà nước từ trái phiếu Chính phủ.
 
Mới đây, Công ty cổ phần Địa ốc Xanh Sài Gòn-Thuận Phước có làm thủ tục xin đầu tư xây dựng dự án khu chung cư cho công nhân và người có thu nhập thấp tại khu vực vệt kẹp đường ĐT602 và KCN Hòa Khánh, dự kiến khởi công trong năm 2012 và hoàn thành năm 2015. “Hiện đã có thiết kế cơ sở, quy hoạch mặt bằng nhưng thực tế triển khai như thế nào còn phải chờ thời gian trả lời”, ông Kiên nói.
 
Theo ông Đàm Quang Tuấn, để chương trình đầy tính xã hội và nhân văn này được triển khai rộng rãi, thì trước hết cần xây dựng chính sách cụ thể, có cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư có nguồn vốn vay dài hạn và cả trách nhiệm của chính các doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN phải quan tâm tới vấn đề nhà ở cho công nhân để họ yên tâm lao động.
 
“Cũng cần có một ban chuyên trách về vấn đề nhà ở xã hội nói chung, nhà ở cho công nhân nói riêng để nghiên cứu tìm ra giải pháp cũng như tìm cách vận động các nhà đầu tư quan tâm thì mới có thể giải quyết rốt ráo được bài toán đầy khó khăn này”, ông Tuấn nhấn mạnh.
 
                                                                                                                                                                                  Đắc Mạnh- Trọng Hùng