Kiến nghị khung giá đất có thể điều chỉnh 15-20% theo giá thị trường

Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có những đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.

Kiến nghị trên được đưa ra trong báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 5/11.
 
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp của Luật đất đai phù hợp với quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật tố tụng hành chính.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung Luật đất đai theo hướng cụ thể hóa tối đa các quy định hiện còn mang tính nguyên tắc, đặc biệt là những vấn đề đã áp dụng ổn định trong thực tiễn. Quy định rõ các quyền đại diện chủ sở hữu và quyền thống nhất quản lý của Nhà nước.
 
Việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Người sử dụng đất có nghĩa vụ chấp hành quyết định thu hồi đất của Nhà nước và được bồi thường. Nhà nước quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không phải do người sử dụng đất tạo ra, đảm bảo sự hài hoà về lợi ích của Nhà nước với lợi ích người sử dụng đất và lợi ích của nhà đầu tư.
 
Sửa đổi, bổ sung việc quy định giá đất bảo đảm nguyên tắc phù hợp cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; khung giá đất, bảng giá đất theo hướng ổn định và chỉ điều chỉnh khi thị trường biến động (có thể tăng, giảm 15%-20%). Công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Quy định rõ trình tự cưỡng chế thu hồi đất, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về đất đai.
 
Thứ ba, đến năm 2015 cơ bản hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo bản đồ địa chính có tọa độ. Bố trí kinh phí đáp ứng nhu cầu hoàn thiện và hiện đại hoá hệ thống bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai, thống nhất hệ thống hồ sơ địa chính trên cả nước.
 
Hoàn thiện hệ thống điều tra, đánh giá tài nguyên đất, đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin, tư liệu về số lượng, chất lượng, tiềm năng và môi trường đất phục vụ cho việc hoạch định chính sách và ban hành quyết định của cơ quan nhà nước trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai. Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai.
 
Thứ 4, các ngành, địa phương chủ động xem xét từng vụ việc tranh chấp, khiếu kiện trong phạm vi quản lý của mình để kịp thời giải quyết ngay, hạn chế khiếu nại vượt cấp, không để xảy ra diễn biến phức tạp trở thành vụ việc khiếu kiện đông người; từ nay đến cuối năm 2012, tập trung giải quyết cơ bản 528 vụ việc tồn đọng, kéo dài.
 
Thứ 5, nâng cao chất lượng ban hành các quyết định hành chính nhà nước. Quyết định hành chính phải được ban hành theo quy trình, thủ tục, nêu rõ trách nhiệm của cơ quan ban hành và đối tượng chịu tác động bởi quyết định hành chính.
 
Thứ 6, thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp dân, có chính sách đãi ngộ với đội ngũ cán bộ tiếp dân; tăng cường cán bộ có năng lực, đạo đức làm công tác quản lý đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo cấp huyện và cấp cơ sở. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
 
Kiên quyết xử lý cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng trong lĩnh vực đất đai. Tăng cường công tác hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân, tổ chức khiếu nại, tố cáo đảm bảo quyền lợi theo quy định pháp luật. Đối với các trường hợp lợi dụng khiếu nại để kích động, gây rối làm mất trật tự an toàn xã hội thì xử lý kiên quyết, nghiêm minh.
 
Thứ 7, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan báo chí đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; thường xuyên kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thiếu trách nhiệm trong công tác này.
 
Thứ 8, tăng cường giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đối với việc xử lý khiếu nại, tố cáo của công dân.
 
Thứ 9, chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức thực hiện và hàng năm báo cáo Quốc hội.
 
Trên đây là Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo Quốc hội.
 
(Theo CafeF)