Quỹ đầu tư BĐS quốc tế ồ ạt vào Việt Nam

 

Ngay trong những ngày đầu năm 2012, thị trường BĐS chấn động bởi sự hiện diện của TS Jonh Snow - cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Chủ tịch quỹ đầu tư hàng đầu thế giới Cerberus trong buổi lễ ký biên bản ghi nhớ với VINACONEX ITC cam kết đầu tư hơn 1 tỷ USD vào dự án Cát Bà Amatina tại Hải Phòng.

Phú Điền - Hình ảnh BDS Việt Nam

Đồng loạt đổ bộ

TS Jonh Snow cho rằng, đây là một dự án dài hạn, đón đầu khi khủng hoảng kinh tế đi qua, tình hình phục hồi trở lại dự án đã có thể mở cửa đón khách. Mục đích chung mà hai bên - Quỹ Cerberus và VINACONEX ITC gặp nhau chính là ý tưởng biến Cát Bà Amatina thành một resort có đẳng cấp thế giới, để mọi quốc gia lân cận và khu vực không thể cưỡng được sức hút của nó. Tính khác biệt và tính duy nhất của Cát Bà Amatina phải được phát huy tối đa, có sức cạnh tranh với bất kỳ địa chỉ du lịch, nghỉ dưỡng nào trên thế giới như thông tin đưa ra từ phía nhà đầu tư.

Dự án này cũng thu hút được sự quan tâm từ TS Robert Livingston - nhà sáng lập tập đoàn số 1 tại Mỹ Livingston người từng nắm giữ các trọng trách cao nhất về tài chính qua các đời tổng thống. Robert Livingston đã đến thăm dự án trong lịch trình dày đặc với các quan chức Việt Nam và có cuộc làm việc với TCty VINACONEX về hợp tác đầu tư dự án Cát Bà Amatina, đầu tư khách sạn, casino….

Cuối năm 2011, Tập đoàn Tama Home (Nhật Bản) ký hợp đồng hợp tác chiến lược với Cotec Group. Theo đó, Tama Global Investment Pte.Ltd., thành viên của Tập đoàn Tama Home sẽ mua 20% cổ phần của Cotecland - thành viên của Cotec Group. Cotecland đang phát triển các dự án BĐS Blue Sapphire Resort Vũng Tàu, Blue Sapphire Tower Vũng Tàu, Blue Sapphire Bình Phú, Blue Sapphire Mũi Né Resort & Spa, căn hộ cao cấp Hà Nội, Khu nghỉ dưỡng 500ha tại Đà Lạt…

Đại diện của Indochina Land, ông Peter Ryder - Tổng giám đốc điều hành cho biết: Năm nay, có ít nhất hai dự án sẽ được DN này triển khai thực hiện, chia đều cho hai TP đầu tàu kinh tế. Hiện tại, Indochina Land đang chuẩn bị để mở bán dự án biệt thự tại Q.9, TP.HCM, với tổng diện tích 8ha. Ngoài ra, có thể kể đến hoạt động của các quỹ như Quỹ Phát triển BĐS Hàn Quốc tại Việt Nam đã đầu tư 1,2 tỷ UDS vào thị trường chứng khoán và phát triển BĐS tại Việt Nam. Thời gian qua thị trường BĐS Việt cũng tiếp kiến nhiều đoàn DN sang tham quan, tìm hiểu cơ hội đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…

Cơ hội và thách thức

Mới đây nhất, Cty Đầu tư Trinnity có trụ sở tại Bangkok (Thái Lan) công bố mở một quỹ trị giá 30 triệu USD để đầu tư vào các tài sản giá rẻ tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Ông Oliver Smith - Giám đốc đầu tư của Quỹ này bày tỏ sự quan tâm đặc biệt dành cho thị trường Việt Nam đang có nhiều cơ hội khi nhiều quỹ đang tìm cách rút lui sau khi mua vào BĐS ở mức cao hồi giữa thập niên 2000 đã gần đến thời điểm kết thúc hoạt động. Hiện quỹ mới mở này nhận được số vốn cam kết 15 triệu USD, ông cho biết kỳ vọng, quỹ sẽ thực hiện được 3 - 4 giao dịch trị giá từ 5 - 15 triệu USD mỗi năm. Mục tiêu Trinity kỳ vọng lợi nhuận ở mức 15 - 20% cho các nhà đầu tư mỗi năm. Ông Smith cho biết, tuỳ theo luật pháp mỗi quốc gia khác nhau, các quỹ ngoại không thể rút vốn ngay lập tức nên Trinity hoạt động theo phương thức mua lại các Cty mẹ của các quỹ này, thực hiện tái cơ cấu sau đó mới bán tài sản.

Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực BĐS (AFIRE) vừa xếp Việt Nam đứng thứ 4 trong số những thị trường mới nổi tại khu vực về mức độ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, Việt Nam cũng được bình chọn là điểm đến đầu tư hàng đầu đối với các nhà đầu tư Singapore trong khu vực Đông Nam Á. Đây là cơ hội cho cả Việt Nam khi dòng vốn ngoại vào BĐS sẽ tăng nhanh trong thời gian tới và đối tác nước ngoài nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn đối với các nhà quản lý trong quản lý thị trường và quản lý tài nguyên đất.

GS Đặng Hùng Võ cho rằng, mặt trái của dòng vốn USD là Việt Nam mất nhiều thứ và thu lại chẳng đáng là bao. Chẳng hạn là giao đất, giao mặt bằng, lao động được trả lương thấp, thậm chí nhiều DN không sử dụng lao động Việt Nam. Theo ông, việc cần làm là cần xây dựng một hàng rào kỹ thuật để các đối tác khi tham gia dự án BĐS, tức là tạo ra một quy định là các dự án này không được phép huy động vốn đóng góp từ người dân trong nước để tránh vấn đề tiềm lực Việt Nam đang bị chính các đối tác này huy động.

Ninh Toàn