Xăng dầu liên tục tăng giá: Doanh nghiệp vận tải đuối sức

Nhiều lần tăng giá xăng dầu từ đầu năm đến nay, đặc biệt trong tháng 8 và đầu tháng 9 với 4 lần tăng đã khiến các doanh nghiệp (DN) vận tải đuối sức.

Xe vận tải rao bán
Nhiều xe tải rao bán tại khu vực phía đông cầu Nguyễn Văn Trỗi nằm vài tháng nay nhưng vẫn không có ai mua.

Mặc dù giá xăng dầu trên thị trường liên tục điều chỉnh theo hướng tăng cao và ít khi giảm, nhưng lần nào cũng vậy, khi chúng tôi đặt câu hỏi với ông Đinh Văn Ba, Chủ tịch Hiệp hội ô-tô vận tải hành khách thành phố, ông đều trả lời: “Chưa thể tăng giá cước được vì khách đi ít quá”. Ông cũng cho biết, 7-8 đợt tăng giá xăng dầu gần đây nhất, duy nhất có tuyến xe Đà Nẵng-Hà Nội có điều chỉnh giá cước do lỗ quá, còn lại tất cả các tuyến vẫn giữ giá cũ. Để đối phó với tình trạng giá xăng dầu tăng, Hiệp hội đã kêu gọi tất cả hội viên tìm mọi cách tiết kiệm, cắt giảm các khoản không cần thiết. Tuy nhiên giỏi lắm cũng chỉ đủ cân đối thu-chi, còn lại phần khấu hao phương tiện coi như mất trắng. “Nếu tình trạng này kéo dài, vài năm đến, Đà Nẵng sẽ khó có DN nào đầu tư thêm được phương tiện mới vì không thu hồi được vốn”, ông Ba lo lắng.
Ngay cả các tuyến xe buýt vài năm qua được tiếng là “sống khỏe” nhờ có lượng khách ổn định thì từ đầu năm đến nay cũng bắt đầu rơi vào tình trạng vừa đủ trang trải các chi phí, chứ không thể có phần khấu hao phương tiện. Theo các chủ xe buýt tuyến Đà Nẵng-Tam Kỳ, tuyến có khách đông nhất hiện nay cố lắm chỉ đủ trang trải trong ngày. Với một ngày hai vòng vô ra, có khoảng 160 hành khách, với giá vé hiện nay là 24 ngàn đồng, tổng thu tiền vé chỉ hơn 3,8 triệu đồng. Trong khi các phần chi ra bao gồm tiền dầu, lương tài xế, phụ xe, tiền phí hai đầu bến, tiền nộp cho công ty... tất cả tương đương số tiền vé. Như vậy phần khấu hao tài sản không có.
Theo ông Bùi Thanh Thiện, Trưởng phòng Vận tải và phương tiện  Sở GTVT, đây là thực tế mà các DN đang đối phó. Hiện có hai tuyến xe buýt nộp đơn xin điều chỉnh giá cước là tuyến Đà Nẵng-Phú Đa từ 20.000 lên 24.000đồng/lượt/vé và tuyến Đà Nẵng-Hội An từ 15.000 lên 18.000 đồng/lượt/vé, các tuyến còn lại chưa xin điều chỉnh. Ngay như tuyến nội thành, từ khi điều chỉnh từ 3.000 lên 5.000 đồng/lượt cách đây 3 năm, nay vẫn giữ nguyên giá cước. Tình trạng này khiến nhiều DN đối diện thua lỗ và tự giải tán. “Theo nguyên tắc thì khi giải thể, các DN không thông báo về Sở GTVT, tuy nhiên với việc gửi các thông báo cũng như điện thoại liên lạc với các DN đều không có sự phản hồi, điều này chứng tỏ họ đã ngưng hoạt động”, ông Thiện cho biết.
Trong khi đó, hoạt động vận tải hàng hóa lại bị ràng buộc vào các hợp đồng vận chuyển trước đó cũng khiến nhiều DN gặp khó khăn do không thể điều chỉnh giá cước. Các DN vận tải lớn trên địa bàn như BM, MT, TMT... dù đã có hợp đồng vận chuyển hàng hóa cho nhiều nhà sản xuất lớn cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên cũng không thoát khỏi khó khăn. Đại diện các đơn vị này cho biết, thời gian gần đây chỉ hoạt động chưa đến 50% phương tiện, số còn lại rơi vào tình cảnh “đắp mền” chờ hàng. Mặc dù vậy, lượng hàng cũng chỉ đủ cho một chiều, chiều còn lại phải chạy “gió”.
Không chỉ DN mà các cá nhân có xe vận tải cũng không thể tránh được những hệ lụy từ giá xăng, dầu “nhảy múa”. Ông Trương Văn Bình ở tổ 6 phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, than thở: Giải tỏa xong, vay mượn tiền mua chiếc xe Suzuki loại 655kg gần 200 triệu đồng để chở đồ thuê. Thế nhưng chỉ được đúng tháng đầu tiên có hàng, các tháng còn lại mỗi ngày chỉ chở được vài ba chuyến không đủ nộp tiền góp, nên cuối cùng phải đưa xe đi rao bán, nhưng cả tháng nay chẳng có ai hỏi cả. Ông Trần Văn Phương ở tổ 11 phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, gặp khó khăn hơn khi đang nợ ngân hàng gần 500 triệu đồng.
Ông Phương cho biết, huy động từ người thân được gần 500 triệu, vay thêm ngân hàng gần chừng đó nữa để mua 2 xe tải hiệu Chiến Thắng, loại 8 tấn, giá mỗi chiếc 425 triệu đồng. Thời gian đầu ký hợp đồng chở vật liệu xây dựng cho Công ty TNHH sản xuất, dịch vụ thương mại Thiên An Bình, chưa được một năm công ty này giải thể, thế là cả 2 xe đều “mất việc”. Bán lỗ cũng không ai mua, trong khi tiền nợ ngân hàng mỗi tháng phải nộp đều đặn. Theo những người bán xe khu vực “chợ” xe tải phía đông đầu cầu Nguyễn Văn Trỗi, dù chấp nhận lỗ từ 30-40%, nhưng cũng chẳng có người mua.
Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng vẫn chưa có cách nào giải quyết được.

                                                                                                                                                                                                       THANH VÂN